Ban hành các quy định về tài sản ảo giai đoạn 2022 – 2025

Quyết định 941/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch phòng chống rửa tiền giai đoạn 2022 – 2025 đã giao các bộ, ngành ban hành các quy định về tài sản ảo.

Chiều 2/12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố 6 luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp 4, trong đó có Luật phòng chống rửa tiền năm 2022. Luật này có 4 chương, 66 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2023.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh giới thiệu, luật mới đã sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo (các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trò chơi có thưởng…).

Luật mới cũng bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên cơ sở luật hóa quy định về đối tượng này tại Nghị định số 116/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung). Đồng thời, để đảm bảo bao quát được các hoạt động phát sinh trong tương lai, Luật quy định Chính phủ quy định hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo chưa được quy định tại Luật sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Luật mới đã sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ; bổ sung dấu hiệu đáng ngờ đối với hoạt động trung gian thanh toán; sửa đổi quy định về thời hạn báo cáo, khắc phục những vướng mắc trong quá trình thực hiện, Phó thống đốc thông tin.

Thảo luận tại Quốc hội, tiền ảo, tài sản ảo là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, cũng là vấn đề được báo chí đặt câu hỏi tại cuộc họp báo.

Ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) nêu rõ, hoạt động phòng chống rửa tiền luôn cập nhật. Luật phòng chống rửa tiền năm 2022 đã giao Chính phủ quy định những hoạt động mới có rủi ro về rửa tiền, các đối tượng báo cáo, sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về vấn đề pháp lý quản lý tiền ảo, tài sản ảo, theo ông Đôn, trong Quyết định 941/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch phòng chống rửa tiền giai đoạn 2022 – 2025 đã giao các bộ, ngành ban hành các quy định về tài sản ảo làm cơ sở cho công tác này.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước cũng thông tin, sau khi Quốc hội thông qua Luật phòng chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành rà soát các quy định và gửi xin ý kiến các bộ, ngành về các dự thảo nghị định, quyết định, thông tư.

Ngân hàng Nhà nước đã xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc trình các dự thảo nghị định, quyết định, thông tư này theo “thủ tục rút ngọn” để bảo đảm các văn bản này được ban hành cùng thời gian Luật phòng chống rửa tiền năm 2022 có hiệu lực thi hành.

chính PV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *