Đánh giá Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2022

(ĐTCK) Sau quá trình chấm điểm, xem xét và đánh giá trong nhiều tháng, Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (Vietnam Listed Company Awards – VLCA) năm 2022 đã tìm ra được những doanh nghiệp tiêu biểu cho từng hạng mục.

Kết quả và quá trình bình chọn được tóm tắt qua những thông tin sau đây:

Đối với hạng mục Báo cáo thường niên

Số lượng báo cáo thường niên (BCTN) tham gia chấm vòng sơ khảo năm 2022 là 557 báo cáo, đây là những báo cáo của các doanh nghiệp thuộc chỉ số VNX Allshare chốt tại kỳ tháng 4/2022, chia làm 3 nhóm vốn hóa, đã loại trừ những doanh nghiệp chậm nộp báo cáo và bị xử lý vi phạm về công bố thông tin từ mức độ “Nhắc nhở trên toàn thị trường” trở lên tính đến thời điểm chấm sơ khảo.

Tiêu chí chấm báo cáo thường niên năm nay lần đầu tiên thực hiện theo Thông tư số 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, trong đó có nội dung đáng chú ý là mẫu lập báo cáo thường niên bổ sung thông tin tác động lên môi trường của công ty (tổng phát thải khí nhà kính và các biện pháp, giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính).

Việc chấm điểm BCTN ở vòng sơ khảo được thực hiện bởi nhóm chuyên gia độc lập đến từ Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo về Quản trị doanh nghiệp (Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh). Kết quả sơ khảo sau đó được soát xét bởi 4 công ty kiểm toán hàng đầu là Deloitte, Ernst & Young, KPMG và PwC nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan và chuyên sâu trong việc xét chọn. HOSE và HNX thẩm định lại kết quả lần cuối trước khi công bố.

Đánh giá Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2022 ảnh 1

Thang điểm đánh giá năm nay cũng đã có sự thay đổi theo hướng nhấn mạnh hơn phần nội dung, cụ thể là trọng số điểm phần nội dung đã tăng lên thành 80% (so với 75% năm 2021) và trọng số điểm phần hình thức giảm xuống còn 20%. Về nội dung công bố thông tin, đã chuyển 2 câu điểm thưởng trước đây (về đo lường và về giải pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính) thành 2 câu hỏi bắt buộc. Thang điểm tối đa của năm 2022 là 100 điểm (so với 102 điểm trong năm 2021).

Điểm trung bình các báo cáo được chấm năm 2022 giảm nhẹ so với năm 2021, nhưng nếu xét đến những thay đổi trong cấu trúc thang điểm nêu trên, thì điểm cao nhất và điểm thấp nhất của năm 2022 có thể xem là tương đương năm 2021. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp được đưa vào đánh giá năm nay cũng gia tăng đáng kể so với năm 2021, nên việc giữ được mức điểm tương đương năm 2021 thể hiện sự nỗ lực cải thiện trong việc soạn thảo và công bố BCTN của các doanh nghiệp niêm yết.

Đánh giá theo từng nhóm vốn hóa, điểm trung bình cho thấy sự phân hóa rõ nét ở 3 nhóm (bảng 2). Trong đó, chất lượng của nhóm vốn hóa nhỏ vẫn còn yếu, nhiều doanh nghiệp ở nhóm này chưa đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của BCTN.

Tuy nhiên, khi đánh giá chi tiết theo từng nhóm vốn hóa, có sự chênh lệch lớn giữa nhóm doanh nghiệp điểm cao và nhóm doanh nghiệp điểm thấp, đặc biệt là ở nhóm vốn hóa nhỏ (92,97 điểm – điểm cao nhất so với 16,26 điểm – điểm thấp nhất) cho thấy, có những doanh nghiệp vốn hóa nhỏ nhưng vẫn đầu tư để có BCTN tốt, đầy đủ thông tin và hình thức đẹp, trở thành một tài liệu cung cấp thông tin toàn cảnh về công ty đến nhà đầu tư và cổ đông.

Về phân tích ngành, trong 557 doanh nghiệp được đánh giá năm nay, Top 5 ngành có mức điểm trung bình BCTN tốt nhất là ngân hàng, dầu khí, dịch vụ tài chính, bảo hiểm, hàng hóa cá nhân và gia dụng.

Việc lập BCTN bằng tiếng Anh có sự tiến bộ nhưng chưa đáng kể, cụ thể năm 2022 có 73 doanh nghiệp có BCTN bằng tiếng Anh, chiếm 13% tổng số lượng báo cáo được đánh giá, tăng nhẹ so với năm 2021 (70 báo cáo).

Số lượng doanh nghiệp có báo cáo phát thải khí nhà kính đã tăng đáng kể với 80 doanh nghiệp so với 37 doanh nghiệp của năm trước. Về công bố giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, năm nay có 120 doanh nghiệp thực hiện, tăng gần 2 lần so với năm trước (64 doanh nghiệp).

Đánh giá Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2022 ảnh 2

Về tổng quan, doanh nghiệp đã có nhiều tiến bộ trong việc lập BCTN, thêm nhiều doanh nghiệp có sự đầu tư nghiêm túc về nội dung và hình thức; BCTN được trình bày bắt mắt, nhiều slogan mới lạ, thông điệp truyền tải rõ nét, mang tính đặc trưng, tạo hiệu ứng quảng bá doanh nghiệp tốt; các số liệu kết quả hoạt động kinh doanh và chỉ tiêu tài chính được đa số doanh nghiệp trình bày rõ; một số doanh nghiệp đã tuyên bố áp dụng tốt các thông lệ về quản trị công ty theo các tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, kết quả cũng cho thấy nhiều điểm yếu cần cải thiện: nội dung về báo cáo, đánh giá kết quả kinh doanh, chỉ tiêu tài chính còn hạn chế; danh sách thành viên Hội đồng quản trị và tỷ lệ sở hữu cổ phiếu ở các công ty khác còn nhiều thiếu sót; nội dung thông tin về môi trường xã hội cộng đồng, mục tiêu phát triển bền vững còn hạn chế, đa số các doanh nghiệp chỉ dừng lại ở mức tuân thủ, công bố thông tin theo luật định mà chưa tự nguyện áp dụng theo thông lệ tốt nhất về quản trị công ty.

Kết thúc giai đoạn chấm sơ khảo, ở hạng mục BCTN có 94 báo cáo tốt nhất được bình chọn vào vòng Chung khảo. Trong đó, 31 doanh nghiệp thuộc nhóm vốn hóa lớn, 42 doanh nghiệp thuộc nhóm vốn hóa vừa và 21 doanh nghiệp thuộc nhóm vốn hóa nhỏ.

Đối với hạng mục Quản trị công ty

Năm 2022 đánh dấu 5 năm thực hiện đánh giá và trao giải Quản trị công ty tốt trong khuôn khổ Cuộc bình chọn Doanh nghiệp Niêm yết Việt Nam. Giải thưởng này có sự gia tăng nhanh chóng số lượng doanh nghiệp được đánh giá, từ con số trên dưới 500 doanh nghiệp niêm yết trong những năm trước, lên đến 581 doanh nghiệp niêm yết trong năm 2022. Danh sách được chọn đánh giá hoàn toàn khách quan dựa trên danh sách các doanh nghiệp trong rổ chỉ số VNX All shares có công bố thông tin.

Giải Quản trị công ty được thực hiện dựa trên bộ tiêu chí đánh giá quản trị công ty được xây dựng theo các quy định luật pháp quản trị công ty tại Việt Nam và các nguyên tắc và thông lệ quản trị công ty tốt được công nhận chung trên thế giới. Ban Tổ chức có kế hoạch xây dựng lộ trình nâng cao dần các tiêu chuẩn quản trị công ty của doanh nghiệp niêm yết theo từng năm, theo đó bộ tiêu chí đánh giá đã có sự thay đổi sau hai năm đầu thực hiện (2018-2019) để đưa nhiều hơn các chuẩn mực quản trị tốt của khu vực và thế giới vào áp dụng.

Ba năm tiếp theo 2020-2021-2022 với bộ tiêu chí mới, mặc dù mặt bằng điểm số có thấp hơn hai năm đầu đánh giá, nhưng điểm số của 3 năm này đã cho thấy sự cải thiện qua từng năm của doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt khi năm 2022 đã có một số lượng lớn các doanh nghiệp lần đầu được đưa vào giải chấm.

Cụ thể, với sự gia tăng gần 12% số lượng doanh nghiệp niêm yết (tăng từ 520 công ty lên 581 công ty), điểm số trung bình năm 2022 vẫn có sự tăng điểm nhất định so với năm trước, cho thấy đã có sự cải thiện từ các doanh nghiệp đã được đánh giá từ các năm trước bên cạnh việc đưa mới 61 công ty vào quá trình đánh giá.

Nhìn chung, kết quả đánh giá cho thấy điểm số chưa có khác biệt đáng kể trong năm 2022 so với năm 2021 ở cả doanh nghiệp tốt nhất và doanh nghiệp ở vị trí trung vị. Điểm của doanh nghiệp thấp nhất ở mức rất thấp cho thấy đã có nhiều doanh nghiệp mới bổ sung vào trong năm 2022 có thực hành quản trị còn nhiều hạn chế cần lưu ý cải thiện.

Quản trị công ty trong các lĩnh vực ngành nghề có sự khác biệt nhất định. Cụ thể, điểm số quản trị ở các ngân hàng niêm yết và doanh nghiệp thuộc ngành dầu khí thuộc nhóm cao nhất, kế đến là các doanh nghiệp ngành tài chính, dịch vụ hạ tầng, hàng tiêu dùng, bất động sản, và y tế. Các ngành công nghệ, xây dựng, hàng hoá và dịch vụ công nghiệp, vật liệu cơ bản có điểm số Quản trị công ty ở mức thấp cần có sự cải thiện, đặc biệt là thông tin cho cổ đông.

Đánh giá Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2022 ảnh 3

Tổng quan về đánh giá quản trị công ty, các doanh nghiệp đã đạt được những điểm mạnh đáng khích lệ và cần phát huy như: về tổ chức ĐHĐCĐ, các doanh nghiệp rút kinh nghiệm sau thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 nên đã tổ chức Đại hội sớm trong năm 2021, từ đó hoàn thành việc công bố BCTN và tổ chức Đại hội kịp thời hạn, cung cấp thông tin kịp thời cho cổ đông và nhà đầu tư; doanh nghiệp công bố tốt hơn thông tin của các ứng viên mới khi có bình chọn ứng viên mới trong Hội đồng quản trị; doanh nghiệp công bố thông tin tốt hơn về tính độc lập của các thành viên trong Hội đồng quản trị.

Bên cạnh đó còn khá nhiều điểm yếu cần cải thiện: Doanh nghiệp giảm sự đầu tư cho việc soạn thảo tài liệu ĐHĐCĐ, doanh nghiệp soạn thảo tài liệu ĐHĐCĐ bằng tiếng Anh ít đi, ít công bố văn bản, nghị quyết tiếng Anh; chưa có nhiều doanh nghiệp áp dụng cho phép cổ đông bỏ phiếu điện tử, tổ chức ĐHĐCĐ trực tuyến.

Về Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát/Ủy ban kiểm toán, chưa có nhiều doanh nghiệp công bố thông tin về chính sách cân bằng giới, nhiều doanh nghiệp có 100% thành viên Hội đồng quản trị là nam, số lượng doanh nghiệp có Trưởng Ban kiểm soát độc lập cũng còn hạn chế.

Về điểm thưởng, năm nay cũng không nhiều doanh nghiệp đạt điểm thưởng so với năm trước và vẫn còn doanh nghiệp vi phạm bị điểm phạt về nội dung ĐHĐCĐ ủy quyền cho Hội đồng quản trị duyệt các giao dịch theo thẩm quyền của ĐHĐCĐ.

Ngoài ra, việc đánh giá kết quả quản trị công ty năm nay có đưa vào một số tiêu chí mới, ví dụ như rà soát việc Hội đồng quản trị có thực thi nghị quyết Hội đồng quản trị năm trước đó hay không, ĐHĐCĐ có uỷ quyền cho Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc toàn quyền quyết định đối với các nội dung thuộc thẩm quyền thông qua của ĐHĐCĐ hay không, hoặc các hợp đồng giao dịch thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ thông qua có được quy định cụ thể và chi tiết trong điều lệ công ty theo tinh thần của luật định hay không. Các khía cạnh này mặc dù thuộc phạm vi luật định, nhưng vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa đạt được.

Đối với hạng mục Báo cáo phát triển bền vững

Ở hạng mục Báo cáo phát triển bền vững, những doanh nghiệp có BCTN lọt vào vòng Chung khảo sẽ được Hội đồng bình chọn xem xét chấm điểm Báo cáo phát triển bền vững ở vòng Chung khảo. Nội dung chấm báo cáo này sẽ được thực hiện bởi các chuyên gia đến từ Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA). Các tiêu chí đánh giá tập trung vào cách thức các đơn vị báo cáo về hoạt động môi trường, xã hội và quản trị (ESG) của mình. Những báo cáo có thêm sự đảm bảo độc lập sẽ được điểm cộng về mức độ tin cậy.

Năm 2022, các chỉ tiêu đánh giá có sự thay đổi với mục tiêu nâng cao yêu cầu đánh giá, hướng tới nâng cao chất lượng báo cáo và cập nhật theo xu hướng của thị trường đang rất quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, cụ thể như tăng số lượng tiêu chí (45 chỉ tiêu trong năm 2022 so với 40 chỉ tiêu trong năm 2021), tăng thêm 5 chỉ tiêu về công bố thông tin phát thải khí nhà kính và cập nhật theo xu hướng nhu cầu (Thông tư 96, GRI). Bên cạnh đó, có lưu ý đánh giá thêm ảnh hưởng của Covid-19 đối với chiến lược, chính sách và thực hiện ESG của doanh nghiệp.

Xét tổng quan, Báo cáo phát triển bền vững năm nay tiếp tục có sự tiến bộ về chất lượng, tương đối đồng đều hơn và đã xuất hiện các báo cáo đột phá trong tốp đầu khi các gương mặt cũ đã có dấu hiệu chững lại. Các điểm tích cực được ghi nhận bao gồm: số lượng doanh nghiệp có Báo cáo phát triển bền vững riêng tăng từ 12 (năm 2020) lên 14 (năm 2021) và 16 (năm 2022). Trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong việc tiếp tục thực hiện tốt các nội dung ESG, như đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của nhân viên, đảm bảo công việc làm cho nhân viên, đảm bảo phúc lợi cho toàn bộ nhân viên, không giảm lương, không trễ lương và đảm bảo tiền thưởng, thực hiện các chương trình kết nối cộng đồng và hỗ trợ địa phương chống dịch. Một nội dung quan trọng là hầu hết các báo cáo đều đã chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn một cách rõ rệt hơn.

Bên cạnh đó, nhiều báo cáo sử dụng dịch vụ đảm bảo bên ngoài bên cạnh vai trò kiểm toán độc lập truyền thống, đây là một nỗ lực lớn của doanh nghiệp khi phải tốn kém chi phí trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Các doanh nghiệp cũng có cam kết rõ nét hơn về quản trị ESG được thể hiện qua việc thành lập Ủy ban chuyên trách/cố vấn thuộc Hội đồng quản trị, có sự tham gia của các phòng, ban trong toàn bộ doanh nghiệp với trách nhiệm, kế hoạch hành động rõ ràng.

Tuy nhiên, vẫn còn các điểm hạn chế cần cải thiện như: một số doanh nghiệp không giữ được phong độ báo cáo như các năm trước đã thể hiện, nhiều doanh nghiệp thiếu mô tả cụ thể quản trị rủi ro riêng về môi trường và xã hội, đa số doanh nghiệp chưa nêu rõ quy trình thu thập thông tin để lập báo cáo, số liệu thiếu sự phân tích biến động giữa các kỳ hoặc so sánh với ngành, ít báo cáo phân tích tác động của chuỗi giá trị (nhất là từ nhà cung cấp), hoặc lồng ghép các yếu tố phát triển bền vững vào Bộ tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp dẫn đến độ đầy đủ và tin cậy giảm, báo cáo chưa thể hiện được sự liên kết của chiến lược phát triển bền vững tới hoạt động của doanh nghiệp, chưa có cơ chế khen thưởng gắn liền trực tiếp với các chỉ tiêu phát triển bền vững.

Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2022 đánh dấu cột mốc 15 năm hình thành và phát triển, Ban Tổ chức hân hạnh vinh danh các doanh nghiệp đạt giải là những lá cờ đầu cho mục tiêu minh bạch thông tin, quản trị doanh nghiệp tốt hướng tới phát triển bền vững. Cuộc Bình chọn hứa hẹn nhiều thay đổi ở các năm tiếp theo để luôn là một sự kiện được chờ đón của thị trường, là minh chứng cho sự đảm bảo về giá trị, sự minh bạch và chất lượng đánh giá đã được được xây dựng và phát triển cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *