– Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam – cho rằng, Cần Thơ đã làm rất tốt, thay đổi rất nhiều, nhưng ở đâu đó có những khu mới kiến trúc không mang tính bản địa. Cho nên, Cần Thơ phải tạo ra bản sắc đô thị miền sông nước.
Ngày 1.4, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Kiến trúc sư Cần Thơ phối hợp tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề: “Kiến trúc bền vững ở Việt Nam: Kinh nghiệm bản địa và công nghệ xanh”.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam – nhấn mạnh, một trong những mục tiêu của định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050 đó là phát triển nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam, đồng thời quảng bá kiến trúc Việt Nam ra thế giới.
Đối với Cần Thơ, ông Tùng cho rằng, thành phố đã làm rất tốt, thay đổi rất nhiều, nhưng ở đâu đó có những khu mới kiến trúc không mang tính bản địa. Cho nên, Cần Thơ phải tạo ra bản sắc đô thị miền sông nước.
“Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ số, khoa học công nghệ thì công nghệ xanh đưa vào như nào để đồng hành cùng các nhà sản xuất vật liệu để phục vụ cho con người tốt hơn. Nhưng không được để mất đi cái văn hóa riêng của mình” – ông Tùng nói.
ThS. KTS. Mai Như Toàn – Giám đốc Sở Xây dựng Cần Thơ, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Cần Thơ – cho biết, TP. Cần Thơ nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung đều chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu.
Năm 2022 vừa qua, Cần Thơ đã trải qua nhiều đợt triều cường gây ngập và thiệt hại nặng nề. Tại các đô thị, khí hậu biến đổi khắc nghiệt đã gây tác động lớn đến môi trường, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, sức khỏe của cộng đồng.
Vì vậy, việc nghiên cứu và tìm ra các giải pháp ứng dụng công nghệ mới, công nghệ xanh kết hợp kiến trúc truyền thống, giữ gìn bản sắc, phù hợp với đặc điểm điều kiện tự nhiên của từng khu vực là hết sức cần thiết.