Một năm thảm hại của tiền điện tử

Năm 2022 được cho là chu kỳ tồi tệ nhất của thị trường tiền điện tử từ trước tới nay, với giá trị nhiều đồng tiền điện tử giảm mạnh và nhiều tổ chức tiền điện tử gặp khó.

Gần 1.000 loại tiền điện tử thất bại

Trong năm 2022, thị trường tiền điện tử đã chứng kiến sự sụt giảm kinh hoàng. Giá một Bitcoin từng đạt đỉnh cao nhất vào tháng 11/2021 là hơn 69.000 USD. Tuy nhiên, đồng tiền điện tử này hiện chỉ còn được giao dịch quanh mốc 16.828,34 USD vào ngày 26/12/2022 (mất khoảng 75% giá trị), và 60% tính từ đầu năm. Hơn 2.000 tỷ USD giá trị vốn hóa của thị trường tiền điện tử cũng đã bị thổi bay. Tương tự, Ether (còn được gọi là Ethereum) cũng đã sụp đổ cùng với Bitcoin, và giảm hơn 70% so với mức giá cao nhất mọi thời đại của nó vào tháng 11 năm ngoái.

Tiền ảo đã ồ ạt giảm giá trong năm 2022, trong đó giá Bitcoin trượt mất hơn 75%

Tiền ảo đã ồ ạt giảm giá trong năm 2022, trong đó giá Bitcoin trượt mất hơn 75%

Việc bán tháo đối với loại tiền điện tử phổ biến đã chứng kiến giá trị của nó giảm xuống. Hầu hết dòng tiền thực tế đổ vào tiền điện tử đã giảm vào năm 2022.

Theo trang web định giá CoinGecko, trong suốt năm 2022, khoảng 951 loại tiền điện tử đã bị tuyên bố là “đồng tiền chết” hoặc “đồng tiền thất bại”. Dữ liệu từ Livecoins cũng cho biết, tính đến tháng 10/2022, ít nhất 12.000 loại tiền điện tử đã dừng hoạt động. Nghiên cứu chỉ ra: “Từ khi tiền điện tử tăng giá vao tháng 11/2020, đã có khoảng 8.000 loại tiền số được niêm yết trên các sàn vào năm 2021. Nhưng tính đến nay, gần 40% số này đã bị hủy kích hoạt hoặc hủy niêm yết”.

Thị trường chứng khoán (TTCK) và tiền điện tử đều đã giảm mạnh sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và sức mạnh của đồng USD ngày càng tăng. Bên cạnh đó, việc hàng loạt công ty lớn hoạt động trong lĩnh vực tiền điện tử rơi vào tình cảnh phá sản cũng làm tăng tốc độ sụt giảm của thị trường.

Tháng 5/2022 khi đồng tiền điện tử Terra sụp đổ, kéo theo đồng LUNA rớt mạnh, khiến một loạt công ty tiếp xúc với hai đồng tiền số này bị ảnh hưởng nặng nề. Tiếp đó, đến tháng 11, FTX – một trong những sàn giao dịch điện tử lớn nhất thế giới, do Sam Bankman-Fried điều hành – cũng tuyên bố phá sản sau khi không thể cứu vãn cuộc khủng hoảng thanh khoản. Sự sụp đổ của FTX tiếp tục gây chấn động đến ngành công nghiệp tiền điện tử, làm dấy lên băn khoăn về tương lai của tiền điện tử.

Bà Frances Coppola, nhà bình luận kinh tế và tài chính độc lập, chỉ ra rằng trong 14 năm tồn tại, thế giới tiền điện tử đã không tạo ra bất kỳ trường hợp sử dụng quan trọng nào trong thế giới thực ngoài việc cung cấp tài chính cho tội phạm. Nó chủ yếu là một khoản đầu tư mang tính đầu cơ. Bà phân tích: “Giờ đây, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang nhanh chóng tăng lãi suất. Có một sự siết chặt thanh khoản đang diễn ra trên thị trường toàn cầu và tiền đang bị hút ra khỏi các tài sản rủi ro”. Đồng thời đánh giá trong thời gian dài tới, tiền kỹ thuật số sẽ khó quay lại mức giá cao như một năm trước. Theo bà, giá tiền kỹ thuật số sẽ giảm hơn nữa.

“Mùa đông tiền điện tử” kéo dài, nhà đầu tư lo mất Tết vì cháy tài khoản

Sự sụp đổ của những sàn giao dịch tiền số lớn trên thế giới đã tạo ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản, CoinTelegraph dẫn báo cáo nghiên cứu từ Coinbase cho biết. Điều này có thể góp phần khiến “mùa đông” tiền số kéo dài đến cuối năm 2023.

Số lượng triệu phú cũng đã giảm xuống theo đà giảm của giá đồng Bitcoin, theo Cointelegraph. Số triệu phú Bitcoin giảm tương ứng khoảng 80% so với 112.898 người, chiếu theo dữ liệu ngày 8/11 năm ngoái. Đây là thời điểm đồng tiền số này đạt mức cao kỷ lục hơn 69.000 USD một đơn vị.

Nhà đầu tư cá nhân ngày càng có tâm lý e ngại trước thông tin nhiều tổ chức, DN lớn còn phải chịu thiệt hại nặng nề mỗi khi có biến cố trên thị trường tiền số. Trong vụ FTX gần đây, Bloomberg thống kê có ít nhất khoảng 10 DN tiền số chịu thiệt hại lớn. Tính chung về rủi ro tài chính, có gần 50 tổ chức chịu liên đới vì có quan hệ giao thương với hệ sinh thái FTX.

Tại Việt Nam, có rất nhiều nhà đầu tư Bitcoin và chủ yếu tham gia vào các sàn giao dịch quốc tế như Biance, Huobi, Bitrex, Coinbase, Bitfinex. Khi giá Bitcoin và vài đồng tiền số khác liên tục tăng đến mức kỷ lục, rồi sau đó tuột dốc không phanh, nhiều nhà đầu tư mất rất nhiều tiền sau một đêm khi không kịp bán ở đỉnh giá.

Trịnh Tuấn (TP Hà Nội) cho biết, anh tham gia chơi Bitcoin từ năm ngoái. Khi Bitcoin lên đến giá 60.000 USD anh quyết định mua 0,5 Bitcoin (giá trị khoảng 30.000 USD). Đến khi giá giảm xuống 50.000 USD anh vẫn “gan” không cắt lỗ, còn mua vào thêm để chan giá, vì mong giá tăng lại sẽ bán ra. Tuy nhiên, trong cả năm 2022 giá Bitcoin liên tục rơi tự do.

Ghi nhận từ những nhà đầu tư lướt sóng cho thấy, một số người đã ngưng giao dịch sau khi Bitcoin giảm giá liên tục. Những người này cho biết với mức giảm giá chênh lệch lớn như vậy, sau khi đặt lệnh mua các nhà đầu tư có thể mất từ vài ngàn đến vài chục ngàn USD.

Anh Nguyễn Trường, một nhà đầu tư ở Bắc Giang cho biết: “Tham gia thị trường này hơn 3 năm, tôi chưa thấy thời điểm nào mà giá lại giảm thảm hại như vậy. Đáng nói là việc giảm giá rất nhanh với mức chênh lệch lớn. “Còn 1.000 USD cuối cùng cố nán lại, tuần trước vào lệnh mua (kỳ vọng giá tăng), sáng đầu tuần đã thấy cháy sạch ”- anh Nguyễn Trường chán nản, đúc kết, rất khó kiếm tiền thị trường này: “Bitcoin bị đẩy giá vừa theo kỹ thuật, vừa xả bất quy tắc”.

Việc hàng loạt đồng tiền ảo lao dốc không phanh khiến không ít nhà đầu tư trắng tay, mất hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng chỉ trong vài ngày. Thậm chí có nhà đầu tư than thở “mất cả căn nhà trong vài ngày vì tiền ảo mất giá”.

Cộng hưởng với việc Tết cận kề, người tham gia thị trường tiền điện tử lo ngại không kịp tiền để chuẩn bị cho dịp lễ lớn nhất trong năm. Sau những vụ sập sàn, và giá rơi thảm nhiều người hoang mang vì mất trắng tiền.

Thảo Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *