Siêu dự án dầu khí tiến triển kéo giá cổ phiếu

Sau thời gian im ắng, ngành dầu khí ghi nhận tín hiệu tích cực từ siêu dự án Lô B – Ô Môn, kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngành này sẽ kéo dài đà hồi phục.

Dự án Nhiệt điện Ô Môn I tại Trung tâm Điện lực Ô Môn.
Dự án Nhiệt điện Ô Môn I tại Trung tâm Điện lực Ô Môn.

Báo cáo Chính phủ, Bộ Công thương cho biết, sau các cuộc họp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), về cơ bản, vướng mắc của chuỗi dự án khí – điện Lô B đã được giải quyết, trong đó có dự án mỏ khí lô B – dự án trọng điểm cung ứng khí cho sản xuất điện ở phía Nam.

“Trách nhiệm thúc đẩy tiến độ triển khai chuỗi dự án thuộc chủ đầu tư các dự án thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn”, văn bản của Bộ Công thương nêu rõ.

Với dự án mỏ khí lô B, PVN nắm giữ gần 42,9% vốn và điều hành chuỗi dự án này được yêu cầu thống nhất với các nhà đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt “Quyết định đầu tư cuối cùng (FID)” vào tháng 6/2023.

Ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc Nghiên cứu, Khối Khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, khi dự án trên được thúc đẩy sẽ giúp Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, mã chứng khoán PVD) và Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã chứng khoán PVS) có nhiều việc làm. Bởi lẽ, trong một dự án dầu khí, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thượng nguồn thực hiện phần thăm dò, khai thác mỏ luôn đi đầu và hưởng lợi trước tiên trong chuỗi giá trị. Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PVGas, mã chứng khoán GAS) cũng sẽ hưởng lợi theo hướng nguồn khí tăng lên, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu điện – đạm.

Trên sàn chứng khoán, kỳ vọng dự án Lô B – Ô Môn sẽ sớm được thúc đẩy đã góp phần giúp nhóm cổ phiếu dầu khí có diễn biến tích cực trong khoảng một tháng trở lại đây, bên cạnh nhịp hồi phục của thị trường chung và động thái mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài (nhóm quỹ Dragon Capital tăng tỷ lệ sở hữu tại PV Drilling từ 7,8% lên hơn 10%; tại PTSC từ 4,93% lên 5,23%…). Riêng cổ phiếu của PVGas không tăng, nhưng trước đó không giảm giá mạnh như nhiều mã khác.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho biết, PV Drilling bắt đầu ký lại các hợp đồng cho thuê giàn tự nâng (Jack up) theo hướng tăng giá. Theo IHS Markit, giá cho thuê giàn khoan tự nâng đã tăng lên mức 90.000 USD/ngày, cao hơn mức trung bình 75.000 USD/ngày của giai đoạn 2019 – 4/2022, đồng thời hiệu suất cho thuê tăng lên 90%. Điều này tạo ra triển vọng khả quan cho kết quả kinh doanh của PV Drilling trong quý IV/2022 và năm 2023.

PV Drilling hiện sở hữu 5 giàn khoan biển, 1 giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm (TAD) và 1 giàn khoan đất liền, nắm giữ khoảng 70% thị phần khoan tại Việt Nam. Với kế hoạch 750 giếng khoan, giếng khai thác của siêu dự án Lô B – Ô Môn, PV Drilling sẽ không lo thiếu việc làm như trước.

Chứng khoán Mirae Asset dự báo, PV Drilling sẽ ghi nhận khoảng 100 tỷ đồng lãi ròng trong quý IV/2022, làm giảm mức lỗ lũy kế trong 9 tháng đầu năm.

Dự án Lô B – Ô Môn có tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD, bao gồm nhiều dự án thành phần, từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn.

Đối với PTSC, doanh nghiệp này đang sở hữu và quản lý 19 tàu dịch vụ dầu khí. Bên cạnh đó, PTSC là nhà thầu EPC (thiết kế – mua sắm thiết bị – xây dựng, vận hành) cho các công trình dầu khí ngoài khơi như giàn khoan, giàn đầu giếng…, đóng góp 50 – 60% tổng doanh thu. Cũng giống như PV Drilling, PTSC được kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội việc làm từ dự án Lô B – Ô Môn.

Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, trong ngắn hạn, giá dầu có xu hướng giảm là yếu tố bất lợi, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2023, bất kỳ tin tức nào liên quan đến việc hoàn tất FID cho dự án Lô B đều có thể đóng vai trò là chất xúc tác tích cực cho giá cổ phiếu PVS.

Về PVGas, với vai trò là nhà đầu tư chính với khoảng 5,1 tỷ USD (tương đương 51% nguồn vốn đầu tư) cho siêu dự án, Tổng công ty sẽ được hưởng lợi khi có FID và triển khai hoạt động. Đồng thời, PVGas tăng được sản lượng nhờ các dòng khí mới bổ sung từ các dự án, cũng như tăng doanh thu từ vận chuyển khí khi đường ống dẫn dài 386 km dự kiến được đưa vào vận hành từ năm 2026.

Một số doanh nghiệp khác kỳ vọng được hưởng lợi từ dự án Lô B – Ô Môn là Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí, Công ty cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam, Công ty cổ phần Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí. Cổ phiếu của các doanh nghiệp này cũng có diễn biến giá tích cực trong 1 tháng qua.

Kiều Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *