Thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu vắng doanh nghiệp lớn lên sàn từ đầu năm

Mảng hoạt động có khả năng tạo hàng mới cho sàn niêm yết là cổ phần hóa DNNN gắn với niêm yết, hoặc thoái vốn Nhà nước tại các DNNN qua sàn. Tuy nhiên, đây lại là mảng có kết quả rất hạn chế không chỉ trong năm 2021 mà trong nhiều năm trước đó.

Trong lịch sử, hoạt động IPO và đưa cổ phiếu lên sàn luôn có một vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán. Quá khứ từng chứng kiến nhiều thương vụ “bom tấn” lên sàn thành công ngoài mong đợi, thu hút dòng tiền lớn từ trong và ngoài nước đổ vào thị trường đặc biệt trong giai đoạn 2016 – 2018.

Đầu tiên phải kể đến thương vụ IPO tỷ USD lịch sử chứng khoán Việt Nam của Vinhomes (mã VHM). Chào sàn HoSE ngày 18/5/2018, VHM tạo ra cơn sốt thực sự với gần 268 triệu cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận tương ứng giá trị hơn 30.700 tỷ đồng (khoảng 1,35 tỷ USD). Thương vụ nhận được sự quan tâm đột biến của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế khi số lượng đặt mua gấp 4-5 lần nhu cầu chào bán.

Ngay phiên chào sàn, cổ phiếu VHM đã tăng kịch trần qua đó đẩy vốn hóa lên xấp xỉ 300.000 tỷ đồng (~13 tỷ USD) và trở thành doanh nghiệp lớn thứ 2 trên sàn chứng khoán thời điểm đó, chỉ sau Vingroup. Từ đó đến nay, Vinhomes vẫn là gương mặt quen thuộc trong top dẫn đầu toàn thị trường về vốn hóa.

Nhắc đến những thương vụ IPO “đình đám” năm 2018 không thể bỏ qua bộ 3 thành viên của Tập đoàn Dầu khí (PVN) gồm PV Power (mã POW)Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) và PV Oil (mã OIL). Các doanh nghiệp này đều rất thành công trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào tháng 1/2018 với lượng đặt mua lớn và giá trúng bình quân cao hơn nhiều so với khởi điểm.

Tiếp đà thành công trong các phiên IPO, ba cổ phiếu POW, BSR, OIL chào sàn UpCOM từ tháng 3/2018 với mức định giá lần lượt 34.900 (~1,5 tỷ USD), 69.500 tỷ đồng (~3 tỷ USD) và 22.000 (~1 tỷ USD). Ngay ở phiên giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu BSR đã tăng kịch trần trong khi POW và OIL cũng tăng gần 20% trong phiên đầu tiên trên UpCOM.

Trước đó, năm 2017 chứng kiến sự bùng nổ các thương vụ IPO “bom tấn” với hàng loạt cái tên đình đám như Petrolimex (mã PLX)VietJet Air (mã VJC)Vincom Retail (mã VRE) hay VPBank (mã VPB).

Mở màn cho làn sóng “ông lớn” đổ bộ sàn chứng khoán năm đó, cổ phiếu VJC chính thức chào sàn HoSE ngày 28/2 với giá tham chiếu 90.000 đồng/cổ phiếu. Ngay khi mở cửa giao dịch, lệnh mua đã đổ dồn vào VJC, kéo cổ phiếu này tăng trần và đưa giá trị vốn hóa thị trường của Vietjet Air lên 32.400 tỷ đồng (~1,4 tỷ USD).

Không để thị trường nguội đi, “đại gia” xăng dầu Petrolimex tiếp bước lên sàn vào ngày 21/4 với việc niêm yết 1,29 tỷ cổ phiếu PLX trên HoSE. Với vốn điều lệ 12.938 tỷ đồng và mức giá chào sàn 43.200 đồng/cổ phiếu, vốn hóa của PLX lên đến 55.892 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD). PLX cũng là DNNN nổi bật nhất lên sàn trong năm 2017.

Gần 4 tháng sau, “bom tấn” VPBank cũng chính thức niêm yết hơn 1,3 tỷ cổ phiếu VPB ngày 17/8. Giá tham chiếu trong ngày chào sàn là 39.000 đồng/cổ phiếu tương ứng mức định giá nhà băng này lên đến gần 60.000 tỷ đồng (~2,6 tỷ USD) trở thành ngân hàng thương mại tư nhân lớn nhất trên sàn chứng khoán thời điểm đó.

Cái tên “đình đám” cuối cùng chốt sổ IPO năm 2017 là Vincom Retail với 415 triệu cổ phiếu được trao tay tại mức giá 40.600 đồng/cổ phiếu phiên ngày 6/11, tương ứng với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 16.800 tỷ đồng (~742 triệu USD). Thời điểm đó, vốn hóa của doanh nghiệp quản lý và vận hành hệ thống TTTM lớn nhất Việt Nam đạt hơn 3,4 tỷ USD, góp phần đưa vốn hoá của sàn HoSE lần đầu chạm mức 100 tỷ USD.

Một năm trước đó, “gã khổng lồ” ngành bia Sabeco (mã SAB) chính thức chào sàn HoSE ngày 6/12/2016 với giá tham chiếu 110.000 đồng/cổ phiếu. Ngay phiên đầu tiên, Sabeco đã tăng kịch trần (+20%) qua đó đẩy vốn hóa lên 84.600 tỷ đồng (~3,7 tỷ USD) và trở thành doanh nghiệp giá trị lớn thứ 2 sàn chứng khoán thời điểm đó chỉ sau Vinamilk (mã VNM).

Nhờ xúc tác từ thương vụ thoái vốn nhà nước và động thái thâu tóm của Thaibev, SAB liên tục tăng mạnh và đạt đỉnh vào đầu năm 2018, thời điểm cổ phiếu này là cái tên duy nhất có giá trên 3xx. SAB sau đó cũng giữ ngôi quán quân thị giá trên sàn chứng khoán trong thời gian dài trước khi tụt dốc do tác động kép từ Covid-19 và Nghị định 100.

Một tháng trước khi Sabeco lên sàn, “ông trùm” Cảng hàng không (mã ACV) cũng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM từ ngày 21/11/2016. Với giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên 25.000 đồng/cổ phiếu, mức định giá ACV thời điểm đó vào khoảng 54.400 tỷ đồng (~2,4 tỷ USD). Đến nay, vốn hóa thị trường của ACV đã lên đến gần 176.000 tỷ đồng (~7,6 tỷ USD) và nằm trong top giá trị nhất toàn sàn chứng khoán.

Trước đó, thương vụ IPO của ACV cũng đã tạo ra cơn sốt hồi cuối năm 2015 với phiên đấu giá theo đó thành công toàn bộ 77,8 triệu cổ phần với giá bình quân 14.344 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều so với khởi điểm. Tổng số tiền Nhà nước thu về hơn 1.100 tỷ đồng, trong đó có sự tham gia của có 19 nhà đầu tư tổ chức trúng giá.

Sự bùng nổ các thương vụ bom tấn IPO và lên sàn đã góp phần quan trọng thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng và đưa VN-Index lên đỉnh lịch sử 1.200 hồi đầu năm 2018, con số mà phải 3 năm sau nhà đầu tư mới được thấy lại.

Thị trường sau đó gần như không có thêm thương vụ nào thực sự đình đám cho đến trước khi làn sóng ngân hàng đổ bộ lên sàn năm 2020. Trong đó, Vietcapital Bank (mã BVB)Ngân hàng Nam Á (mã NAB)Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (mã SGB) đều lên giao dịch trên UpCOM nhưng không thật sự khuấy động sàn chứng khoán.

Phải đến những ngày cuối năm 2020, tân binh đáng chú ý nhất là MaritimeBank (mã MSB) mới niêm yết HoSE với hơn 1,17 tỷ cổ phiếu. Với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 15.000 đồng/cổ phiếu, mức định giá của nhà băng này vào khoảng 17.550 tỷ đồng (~763 triệu USD).

Tâm điểm lại được đổ dồn vào những cái tên chuyển sàn gồm nhiều nhà băng tên tuổi như LienVietPostBank (mã LPB)Ngân hàng Á Châu (mã ACB)Ngân hàng Quốc tế (mã VIB) và bộ đôi “ông lớn” khu công nghiệp Tập đoàn Cao su (mã GVR) và Becamex (mã BCM). Dù vậy, những doanh nghiệp này đều đã IPO và lên sàn từ lâu nhưng đến năm 2020 mới chuyển niêm yết sang HoSE.

Tiếp nối làn sóng nhà băng lên sàn, Ngân hàng Phương Đông (mã OCB) và SeABank (mã SSB) đều đã niêm yết HoSE, Ngân hàng Việt Á (mã VAB) cũng lên sàn UpCOM trong năm 2021 vừa qua.

Tân binh đầu tiên của năm ngoái là Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (mã TNH) khi 41,5 triệu cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE vào ngày 6/1/2021. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 25.000 đồng/cổ phiếu tương ứng mức định giá hơn 1.000 tỷ đồng. TNH cũng là bệnh viện đầu tiên và duy nhất niêm yết đến thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên sự chú ý gần như đã đổ dồn vào 2 cổ phiếu bất động sản là Đất Xanh Serviecs (mã DXS) và Khải Hoàn Land (mã KHG). Niêm yết vào thời điểm HoSE thường xuyên nghẽn lệnh khiến 2 cổ phiếu này phải “ở nhờ” HNX trong thời gian đầu mới lên sàn nhưng sau đó đã nhanh chóng quay trở lại HoSE. Được kỳ vọng sẽ thành bom tấn tiếp theo nhưng cả 2 cổ phiếu trên đều gây thất vọng khi đang giao dịch quanh vùng giá thấp nhất từ khi lên sàn.

Vắng bóng doanh nghiệp lớn lên sàn

Từ đầu năm 2022 đến nay, HoSE và HNX đều không có cổ phiếu mới nào niêm yết. Cái tên đáng chú ý nhất là “ông lớn” ngành điện EVNGENCO 3 (mã PGV) niêm yết HoSE ngày 9/2 thực tế đã lên giao dịch trên sàn UpCOM từ tháng 3/2018.

Từng được kỳ vọng rất lớn nhưng PGV lại gây thất vọng khi đợt IPO chỉ thu hút được 336 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá với khối lượng mua chỉ đạt 7,5 triệu cổ phần, tương ứng 2,8% số cổ phần chào bán. Mức giá đấu thành công bình quân là 24.802 đồng/cổ phần tương ứng tổng giá trị cổ phần trúng giá chỉ hơn 185 tỷ đồng. Theo phương án cổ phần hóa, PGV sẽ chào bán ra công chúng hơn 267 triệu cổ phiếu (tương ứng 12,83% vốn điều lệ) theo phương thức đấu giá.

Tân binh thực sự lên sàn chứng khoán từ đầu năm là Gelex Electric (mã GEE) mới giao dịch trên UpCOM từ ngày 8/3 chứ chưa niêm yết. Trong số các cổ phiếu lên sàn từ đầu năm, GEE là cái tên có quy mô vốn điều lệ lớn nhất. Cổ phiếu này sau đó đã tăng kịch trần 40% lên 35.000 đồng/cổ phiếu tương ứng vốn hóa hơn 10.000 tỷ đồng (~435 triệu USD).

Vắng bóng các “bom tấn” IPO khiến thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu “hàng mới” chất lượng. Làn sóng nhà đầu tư mới tham gia ngày càng bùng nổ nhưng lại chưa có thêm nhiều lựa chọn mới. Số tài khoản mở mới liên tục tăng lên, nhưng giao dịch chỉ tập trung vào một số mã quen thuộc.

Thành tích của thị trường hàng tháng, hàng năm được các bên liên quan ghi nhận bằng các tiêu chí như số nhà đầu tư mới, thanh khoản, biến động của VN-Index… trong khi các chỉ tiêu như số doanh nghiệp niêm yết mới hay số vốn doanh nghiệp huy động được qua thị trường chứng khoán lại ít được chú ý.

Mảng hoạt động có khả năng tạo hàng mới cho sàn niêm yết là cổ phần hóa DNNN gắn với niêm yết, hoặc thoái vốn Nhà nước tại các DNNN qua sàn. Tuy nhiên, đây lại là mảng có kết quả rất hạn chế không chỉ trong năm 2021 mà trong nhiều năm trước đó.

Theo Bộ Tài chính, lũy kế giai đoạn 2016 – 2020 đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, nhưng chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch).

Những doanh nghiệp chưa thể thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn gồm nhiều cái tên “hot” được nhà đầu tư chờ đợi có thể kể đến như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank)Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin – TKV), Tổng Công ty viễn thông Mobifone, Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC),…

Thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu vắng doanh nghiệp lớn lên sàn từ đầu năm - Ảnh 1.

Hà Linh

Theo Nhịp sống kinh tế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *