Tổng thư ký VMBA: “Cần có các chính sách bình ổn, hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn chân chính phục hồi và phát triển”

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VMBA), các chính sách để bình ổn thị trường là hết sức cần thiết trong bối cảnh sau dịch bệnh.

Thị trường trái phiếu vừa trải qua một năm 2022 đầy biến động và được dự báo vẫn còn nhiều thách thức trong năm 2023. Tại Talkshow Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VMBA) đã có những đánh giá về thị trường trái phiếu năm 2022 cũng như đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

BTV Mùi Khánh Ly: Ông đánh giá như thế nào về thị trường trái phiếu năm 2022?

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VMBA)

Năm 2022, đại dịch Covid bắt đầu suy giảm sau hơn hai năm bùng phát toàn cầu, và với bối cảnh sau đại dịch, nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam chúng ta gặp rất nhiều khó khăn. Việc giãn cách dẫn tới sự đứt gãy trong quá trình sản xuất, đầu tư, thương mại toàn cầu, và làm cho nhiều nền kinh tế có dòng chảy chi phí tiếp tục phát sinh, trong khi dòng thu của hoạt động sản xuất kinh doanh, kể cả nguồn thu từ các cơ quan quản lý của các Chính phủ cũng có xu hướng giảm thấp.

Và sau đại dịch, nhiều nước phát sinh các vấn đề thì Việt Nam cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng chung đó. Ngay từ đầu của năm 2022, chúng ta phải điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt và nâng dần lãi suất. Và đi theo xu hướng chung của quốc tế thì trái phiếu Chính phủ, khối lượng phát hành thành công cho đến thời điểm này được khoảng trên 55% kế hoạch, tỷ lệ trúng thầu ở thị trường sơ cấp năm nay giảm khá mạnh so với năm 2021. Và trên thị trường thứ cấp thì khối lượng giao dịch cũng giảm khá mạnh, khoảng gần 40% so với cùng kỳ. Lãi suất của trái phiếu Chính phủ có xu hướng tăng khá nhanh, đặc biệt với kỳ hạn 10 năm lãi suất tăng trên 200% so với cuối năm 2021.

Còn đối với trái phiếu doanh nghiệp, trong năm vừa qua khối lượng phát hành thành công cũng giảm rất mạnh so với cả năm 2021. Ở trên thị trường thứ cấp, hoạt động giao dịch cũng sụt giảm mạnh và có nhiều diễn biến khá bất thường. Các năm trước, hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp nhằm đầu tư và phát triển nên tỷ lệ mua lại trước hạn thấp, nhưng năm nay tỷ lệ mua lại trước hạn rất cao, đó là yếu tố bất thường. Và đi cùng với xu hướng đó, lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp cũng tăng lên cao với thanh khoản giảm thấp.

Với bối cảnh thị trường bị tác động bởi cả yếu tố biến động chung của quốc tế, trong nước, cộng với yếu tố lành mạnh hóa thị trường và tâm lý của nhà đầu tư, đã làm cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022, đặc biệt đến quý IV là gần như đóng băng.

Vậy theo ông, thực trạng trên đến từ những nguyên nhân chính nào?

Thứ nhất là tác động của từ yếu tố mang tính thị trường, bao gồm cả thị trường quốc tế lẫn các yếu tố thị trường trong nước với xu hướng thắt chặt tiền tệ, lãi suất nâng lên làm cho chi phí vay vốn của doanh nghiệp tăng lên, và khả năng vay vốn khó hơn.

Thứ hai, trong năm 2022, chủ trương của Chính phủ là thực thi các chính sách giúp lành mạnh hóa thị trường tài chính, tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát và cũng có những xử lý đối với một số các doanh nghiệp vi phạm.

Vấn đề thứ ba, là yếu tố tác động bởi tâm lý của thị trường khi mà nhà đầu tư nhìn thấy những diễn biến như vậy, cùng với diễn biến của thị trường lẫn cả các yếu tố rủi ro về pháp lý, cũng làm cho tâm lý trở nên thận trọng hơn. Và họ sẽ có cái xu hướng co lại, thậm chí là chủ động, cắt giảm để thu tiền về sớm hơn so với dự kiến ban đầu.

Riêng về thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, năm 2022 đã chứng kiến cảnh nhà đầu e ngại và bán ra chưa từng có, thậm chí là bán ra cả những chứng chỉ quỹ đầu tư vào trái phiếu…, đó có phải là phản ứng quá đà?

Sau đại dịch, xu hướng chung của các nước là lạm phát đều tăng rất mạnh. Và điều đó dẫn đến tình trạng chung trên toàn cầu là các doanh nghiệp gặp khó khăn; chi phí vốn tăng cao hơn và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trở nên rủi ro hơn, khả năng thanh toán các doanh nghiệp yếu đi.

Đứng ở góc độ nhà đầu tư quốc tế, họ sẽ dịch chuyển dòng tiền tới những khu vực có mức độ sinh lời cao hơn và an toàn tốt hơn. Trong năm vừa qua không chỉ Việt Nam, rất nhiều nước trên thế giới, nhà đầu tư quốc tế họ dịch chuyển tiền sang đồng USD và chuyển vào đầu tư thị trường Mỹ hoặc các thị trường có tài sản định giá bằng USD, sẽ được hưởng lợi về lãi suất, được hưởng lợi về tỷ giá. Làm cho đồng nội tệ của các nước, trong đó Việt Nam, cũng bị mất giá.

Nhưng không chỉ tác động đến ngoại tệ mà tác động đến giá của các loại tài sản, bao gồm cả tài sản chứng khoán, cổ phiếu, cả trái phiếu, cả chứng chỉ quỹ và các loại hình tài sản khác bị giảm.

Đối với trái phiếu ở Việt Nam, bên cạnh yếu tố tác động chung, nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng tâm lý bởi các điều chỉnh về mặt chính sách. Chúng ta thấy rằng cần phải có những điều chỉnh để nâng cao tính minh bạch và chất lượng trong công tác phát hành trái phiếu; phải điều tiết lại đối tượng người mua trái phiếu phù hợp, để làm sao bảo vệ được tốt hơn đối tượng nhà đầu tư. Như là thay đổi tiêu chí nhà đầu tư, đáp ứng tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp. Và quy định đó sẽ tác động ngay lập tức đến các nhà đầu tư. Trước đây họ đáp ứng thì bây giờ theo quy định mới, họ không đáp ứng nữa. Và như vậy họ không được phép tham gia vào thị trường nữa.

Trước thực trạng trên, cơ quan quản lý đã đề xuất một số giải pháp để giúp ổn định lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ như sửa đổi nghị định 65. Ô ng đánh giá thế nào về những giải pháp của cơ quan quản lý?

Nếu chúng ta không có những can thiệp kịp thời, thì khi mất cân bằng cung cầu sẽ dẫn đến biến động về giá và dẫn đến biến động về thanh khoản, ở mức độ cao nhất định sẽ lại quay ngược trở lại, tác động đến tâm lý của nhà đầu tư. Và vì vậy ở thị trường quốc tế trong năm vừa qua, sau dịch bệnh, các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng, suy giảm khả năng thanh toán và nghĩa vụ nợ của họ từ phát hành trái phiếu. Như ở Hàn Quốc, Thái Lan hay là một số nước như Australia, New Zealand, họ thành lập quỹ bình ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp, để bình ổn thanh khoản, giữ niềm tin cho thị trường.

Với thị trường Việt Nam, việc các doanh nghiệp bị tác động như vậy, tôi nghĩ là các chính sách để bình ổn thị trường là hết sức cần thiết trong bối cảnh sau dịch bệnh, với môi trường kinh tế quốc tế như vậy, cộng với việc điều chỉnh chính sách trong nước, chúng ta cũng phải có các biện pháp bình ổn, để giảm bớt các cú sốc, và còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm ăn nghiêm túc, bài bản, có cơ hội, từng bước phục hồi và phát triển.

Với những khó khăn và thách thức trong năm 2022 như đã phân tích, ông dự báo thị trường trái phiếu năm 2023 sẽ như thế nào?

Tất nhiên thị trường thế giới hiện nay cũng còn khá bất định, và hầu hết các tổ chức dự báo cho rằng 2023, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ rơi vào suy thoái. Và khó khăn ở trong 2023 sẽ còn tiếp tục. Đặc biệt khi xung đột Nga – Ukraine vẫn còn tiếp diễn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm sáng. Chúng ta cũng hy vọng chu kỳ tăng lãi suất của FED có thể bắt đầu giảm xuống và sẽ dừng lại rồi kết thúc của quý I/2023. Và thứ hai, khả năng là Trung Quốc có thể sớm chấm dứt chính sách Zero – Covid, tác động đến các nền kinh tế nói chung và Việt Nam là một nền kinh tế ở ngay bên cạnh.

Riêng với thị trường trong nước, rõ ràng các doanh nghiệp đã bộc lộ rất nhiều các khó khăn, các doanh nghiệp cũng chủ động có những cái biện pháp để tổ chức lại hoạt động và tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, thiết yếu.

Tôi hy vọng rằng, những biện pháp họ đã triển khai sẽ giúp ổn định hơn và hoạt động sản xuất kinh doanh đi theo hướng lành mạnh hơn.

Thêm vào đó, tôi cũng hy vọng rằng Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian tới, đặc biệt vào 2023 sẽ có những cái biện pháp và giải pháp, các chính sách kịp thời hơn, giúp cho hoạt động của các doanh nghiệp được thuận lợi hơn.

Bên cạnh các giải pháp từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp nên có những phương án nào để vẫn huy động được vốn trên thị trường này?

Thanh khoản của thị trường thì đến từ niềm tin, niềm tin lại đến từ sự minh bạch, đối với không chỉ là doanh nghiệp tốt, mà kể cả những doanh nghiệp đang ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào của mình. Vấn đề thứ hai đứng ở góc độ về công tác quản lý nhà nước nói chung cũng như của doanh nghiệp nói riêng, làm sao phải nâng được nhận thức và sự hiểu biết của nhà đầu tư, cũng như các thành phần tham gia thị trường về những thông tin minh bạch đấy, để có đánh giá đúng và xử lý thông tin một cách phù hợp. Tiếp theo, môi trường pháp lý và thực thi pháp lý phải công bằng, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư, của các thành phần tham gia thị trường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *