TP.HCM xử phạt công ty truyền thông FBNC hoạt động như báo chí 350 triệu đồng

Đây là trường hợp xử phạt hành chính đầu tiên trong hoạt động báo chí mà không có giấy phép kể từ khi Nghị định 119 được ban hành dành cho Công ty FBNC…

Ngày 8/7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền lên tới 350 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Truyền thông và Ứng dụng công nghệ thông tin FBNC (Công ty FBNC). Mặc dù chưa được cấp phép, Công ty FBNC tự danh xưng ban biên tập, phóng viên, xuất bản định kỳ các chuyên mục theo chủ đề, sản xuất tin bài có tính chất báo chí để đăng tải, phát trên kênh truyền hình kinh tế – tài chính – tin tức.

Trước đó từ tháng 1/2022, Công ty FBNC đã thực hiện việc cung cấp thông tin theo loại hình báo chí, như sử dụng biểu tượng (logo) là tên kênh truyền hình của cơ quan báo chí, danh xưng Ban biên tập, phóng viên, xuất bản định kỳ các chuyên mục theo chủ đề, sản xuất tin bài có tính chất báo chí để đăng tải, phát trên kênh truyền hình kinh tế – tài chính – tin tức.

Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM kiểm tra, kịp thời phát hiện và tiến hành làm việc, lập biên bản vi phạm hành chính về hoạt động báo chí không có giấy phép. Đồng thời yêu cầu Công ty FBNC phải gỡ bỏ các nội dung thông tin vi phạm, điều chỉnh hoạt động sản xuất tin bài và phương thức cung cấp thông tin trên mạng Internet.

Sau khi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Công ty FBNC đã nhận thức hành vi vi phạm, đồng thời thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với hoạt động cung cấp thông tin trên mạng Internet theo quy định pháp luật.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, đây là trường hợp xử phạt hành chính đầu tiên trong hoạt động báo chí mà không có giấy phép kể từ khi Nghị định được ban hành dành cho Công ty FBNC…

Trước đó vào tháng 5/2022, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cũng đã ký quyết định xử phạt Công ty FBNC về hành vi cung cấp trang thông tin điện tử tổng hợp khi chưa có cấp giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp với mức phạt 50 triệu đồng.

Thực tế hiện nay, có rất nhiều trang tin điện tử, mạng xã hội cử nhân viên đi họp báo tự xưng phóng viên, nhà báo và chất vấn doanh nghiệp; thậm chí, viết bài theo chiều hướng thông tin “lá cải”, “câu view” đời tư, bịa đặt hoặc “đánh đấm” doanh nghiệp để bắt ép mua bài PR, quảng cáo. Đặc biệt là hành vi tống tiền, liên kết nhiều trang tin và “phóng viên tự xưng” để thực hiện đăng nhiều thông tin không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đến báo chí và hoạt động báo chí.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông về tăng cường quản lý, chấn chỉnh và xử lý nghiêm trong hoạt động báo chí, theo chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực báo chí trên địa bàn thành phố, thời gian tới Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, mời làm việc, xác định hành vi vi phạm trong lĩnh vực thông tin truyền thông, nhất là mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp có dấu hiệu “báo hoá” của một số cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để áp dụng chế tài, xử lý đủ mạnh, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản có nhiều điểm mới, tăng thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cho Sở thông tin và truyền thông các địa phương.

  • Phạt tiền lên đến 200 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản;
  • Tăng mức phạt đối với hành vi mạo danh nhà báo, phóng viên… có thể bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng;
  • Riêng đối với hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi thì mức phạt từ 20 – 40 triệu đồng;
  • Cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên có thể bị phạt lên đến 60 triệu đồng;
  • Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên: Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng;
  • Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp; hoặc hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên: Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng.
  • Đặc biệt, có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: Phạt tiền từ 40 – 60 triệu đồng.

Theo Minh Hà

Vneconomy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *