ABBank kinh doanh thụt lùi, nợ xấu tăng vọt, kênh bơm vốn cho hệ sinh thái ‘đại gia’ Vũ Văn Tiền gặp vấn đề?

Lợi nhuận 2022 thụt lùi, không hoàn thành kế hoạch

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank – mã ABB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng đến 68% so với thực hiện năm 2022 lên mức 2.826 tỷ đồng. Kế hoạch tham vọng được nhà băng này đề ra sau một năm kinh doanh thụt lùi và không hoàn thành mục tiêu đề ra.

Năm 2022, thu nhập lãi thuần của ABBank đạt 3.735 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước. Trong khi đó, các nguồn thu ngoài lãi lại sụt giảm như lãi từ dịch vụ giảm 34% (còn 232 tỷ đồng), lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 53% (còn 193 tỷ đồng). Đáng chú ý, hoạt động khác thu về khoản lãi hơn 415 tỷ đồng, tăng 62%.

Mặt khác, chi phí hoạt động chỉ tăng 8% so với cùng kỳ lên gần 2.043 tỷ đồng. Trong năm, ABBank trích ra gần 777 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng. Kết quả, nhà băng này chỉ thu về hơn 1.702 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 13% so với năm trước. So với kế hoạch 3.079 tỷ đồng lãi trước thuế đặt ra cho cả năm 2022, ABBank mới chỉ thực hiện được phân nửa mục tiêu.

ABBank lý giải do ảnh hưởng lạm phát, nhiều khoản chi phí phát sinh tăng so với 2021 và kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, năm qua hoạt động kinh doanh trái phiếu Chính phủ gặp khó khăn do mặt bằng lãi suất tăng, tỷ giá ngoại tệ biến động gây ảnh hưởng bất lợi, đến cuối năm ABBank thực hiện kết chuyển số dư tài khoản kinh doanh ngoại tệ bảo đảm tuân thủ quy định của NHNN cũng như điều chỉnh danh mục đầu tư đã tác động đến lợi nhuận cả năm. Do đó, ABBank chưa đạt kỳ vọng so với kế hoạch năm 2022 mà ĐHĐCĐ đã thông qua.

abbank kinh doanh thut lui no xau tang vot kenh bom von cho he sinh thai dai gia vu van tien gap van de hinh 1

Sau khi đứt mạch tăng trưởng vào năm ngoái, nhà đầu tư không khỏi đặt dấu hỏi về khả năng hoàn thành kế hoạch tham vọng của ABBank trong năm 2023. Quý đầu năm, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này chỉ tăng nhẹ 6,3% so với cùng kỳ, đạt 611 tỷ đồng chủ yếu nhờ nguồn thu ngoài lãi. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng các khoản thu từ ngoại hối, kinh doanh chứng khoán, đầu tư tài chính… đều là các khoản thu không bền vững, phụ thuộc rất lớn vào những biến động của thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chất lượng tín dụng đi xuống, nợ xấu tăng vọt

Trong bối cảnh kinh doanh thụt lùi, chất lượng tín dụng của ABBank cũng đi xuống rõ rệt. Từ mức nợ xấu (nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn) dưới 1.000 tỷ đồng cuối năm 2018, con số này đã liên tục tăng qua từng năm và lên đến gần 2.400 tỷ đồng vào cuối năm 2022, tức là gấp 2,4 lần sau 4 năm.

Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tín dụng cũng theo đó tăng từ mức dưới 2% vào cuối năm 2018 lên gần 3% vào cuối năm ngoái. Đáng chú ý, tình trạng này không được cải thiện trong những tháng đầu năm nay, thậm chí còn có phần trầm trọng hơn khi tỷ lệ nợ xấu tăng vọt lên hơn 4%, vượt quy định của NHNN.

abbank kinh doanh thut lui no xau tang vot kenh bom von cho he sinh thai dai gia vu van tien gap van de hinh 2

Quý 1/2023, tổng nợ xấu của ABBank tiếp tục tăng 35% sau quý đầu năm lên mức gần 3.200 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tại thời điểm cuối quý 1 đã tăng gấp đôi so với đầu năm lên mức 1.128 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ tăng cũng thêm 265 tỷ đồng, tương ứng hơn 63% so với đầu năm. Mặt khác, nợ có khả năng mất vốn giảm nhẹ về mức 1.384 tỷ đồng, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ xấu với hơn 43%.

Nợ xấu tăng trong khi quy mô tín dụng của ABBank lại bị thu hẹp. Dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm cuối quý 1 giảm 3,1% xuống 79.453 tỷ đồng. Tại ngày 31/3, tổng tài sản ABBank ở mức 134.282 tỷ đồng, tăng 3,2% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 47% xuống còn 1.422 tỷ đồng, tiền gửi tại TCTD khác tăng 38% lên mức 28.025 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 10,3% xuống 75.429 tỷ đồng.

Một trụ cột trong hệ sinh thái của “đại gia” Vũ Văn Tiền

ABBank được biết đến là một trong các trụ cột của hệ sinh thái dưới trướng “đại gia” Vũ Văn Tiền. Nhà băng này có quan hệ mật thiết và phát sinh nhiều hoạt động liên quan đến tập đoàn đa ngành nổi tiếng trong tay vị doanh nhân gốc Thái Bình.

Tập đoàn do ông Tiền sáng lập từ năm 1993 hoạt động với 5 lĩnh vực chính gồm: Sản xuất công nghiệp, bất động sản, tài chính – ngân hàng, thương mại – dịch vụ, và nông nghiệp công nghệ cao. Ông Tiền hiện đang nắm giữ vai trò lớn nhất tại tập đoàn này với vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Ngoài ra, ông Tiền chính là thành viên đại diện vốn của tập đoàn tại ABBank với 13% cổ phần. Tập đoàn này hiện là cổ đông lớn thứ 2 của ABBank sau cổ đông chiến lược Malayan Banking Berhad (Maybank) nắm 20% vốn. Ông Tiền còn là lãnh đạo ngồi ghế Chủ tịch HĐQT ABBank lâu nhất từ khi nhà băng này thành lập (15 năm) trước khi rời vị trí này từ tháng 4/2018 và nhường lại cho ông Đào Mạnh Kháng để đáp ứng quy định của Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung.

abbank kinh doanh thut lui no xau tang vot kenh bom von cho he sinh thai dai gia vu van tien gap van de hinh 3
ABBank được biết đến là một trong các trụ cột của hệ sinh thái dưới trướng “đại gia” Vũ Văn Tiền.

Trong nhiều năm qua, ABBank đã liên tiếp bảo lãnh cho các dự án bất động sản của các công ty có liên quan đến tập đoàn đa ngành của ông Tiền điển hình như Công ty HTL Việt Nam – Chủ đầu tư Gelexia Riverisde tại quận Hoàng Mai, Hà Nội; Công ty Tân Hoàng Cầu – Chủ đầu tư dự án tòa nhà văn phòng PeakView Tower tại 36 Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội…

Tập đoàn của ông Tiền là một cái tên rất tích cực huy động những năm qua khi huy động gần 6.500 tỷ đồng trái phiếu thông qua 54 đợt phát hành, phần lớn tập trung vào năm 2020. Nếu tính cả các bên liên quan, các doanh nghiệp liên quan đến “đại gia” này đã huy động tổng cộng 16.422,7 tỷ đồng trái phiếu từ năm 2019 đến nay.

Trong năm 2022, nhóm này đã đẩy mạnh việc mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể, Vạn Hương mua lại hết 1.499,6 tỷ đồng trái phiếu DRGCH2123005, HTL Việt Nam mua lại 434 tỷ đồng trái phiếu HLNCH2124001. Thêm vào đó, nhiều trái phiếu của tập đoàn cũng đáo hạn trong năm 2022 với tổng giá trị 1.978 tỷ đồng.

Dư nợ trái phiếu hiện tại của nhóm này còn 12.481 tỷ đồng. Trong năm 2023, một số lô trái phiếu của tập đoàn và các công ty liên quan sẽ đáo hạn gồm GELEXIMCO.BOND.2020.2023 (1.497,3 tỷ đồng), GLH2014001 (500 tỷ đồng) và GLH2014002 (500 tỷ đồng).

Minh Nhật

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *