Cam kết hoàn thành sân bay Long Thành trong 36 tháng của liên danh Coteccons, Central, Hòa Bình: Đối tác ngoại đóng vai trò gì?

Các nhà thầu nội trong liên danh Hoa Lư đều là những tên tuổi đã được khẳng định trong ngành xây dựng Việt Nam nhưng chưa có nhiều trải nghiệm với việc xây dựng nhà ga sân bay, với đặc thù bao gồm những hệ thống cơ điện lạnh (MEP) phức tạp. Và mảnh ghép quan trọng cho việc này trong liên danh Hoa Lư chính là công ty PLE đến từ Thái Lan.

Tâm điểm chú ý của ngành xây dựng hiện đang được tập trung vào quá trình đấu thầu của gói thầu 5.10 xây dựng và lắp đặt công trình nhà khách của sân bay Long Thành có quy mô lên đến 35.000 tỷ đồng.

Gói thầu này có 3 liên danh tham gia đấucả 3 liên danh đều gồm 1-2 doanh nghiệp nước ngoài cùng nhóm doanh nghiệp xây lắp trong nước. Trong số này thì có 2 liên danh mà doanh nghiệp nòng cốt đứng đầu liên doanh là doanh nghiệp nước ngoài gồm Vietur do 1 doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu và CHEC-BCEG-Vietnam Contractors do phía Trung Quốc đứng đầu.

Còn lại là liên danh Hoa Lư do doanh nghiệp trong nước là Coteccons đứng đầu cùng với sự tham gia của nhiều nhà thầu nội tốp đầu khác như Central, Hòa Bình, Delta, Thành An, An Phong… cùng với Power Line Engineering (PLE) đến từ Thái Lan.

Không chỉ do doanh nghiệp nội đứng đầu, mà hầu hết các thành viên của liên doanh Hoa Lư đều là những nhà thầu xây dựng vào loại lớn nhất Việt Nam. Đây là sự kiện hiếm thấy khi những đối thủ cạnh tranh chính của nhau cùng chung tầm nhìn, dành nhiều tâm huyết để cùng nhau thực hiện một công trình mang tính biểu tượng.

Liên danh Hoa Lư có sự góp mặt của loạt doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất ngành xây dựng

“Chúng tôi chọn các thành viên liên danh dựa trên năng lực và kinh nghiệm thi công thực tế chứ không dựa trên tên tuổi để làm đẹp hồ sơ dự thầu. Mỗi nhà thầu phải là một mảnh ghép hoàn hảo vừa phát huy thế mạnh của từng đơn vị vừa cộng hưởng tạo nên sức mạnh chung của toàn bộ liên danh”, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Coteccons Group cho biết.

Có thể thấy các nhà thầu nội trong liên danh Hoa Lư đều là những tên tuổi đã được khẳng định trong ngành xây dựng Việt Nam nhưng chưa có nhiều trải nghiệm với việc xây dựng nhà ga sân bay, với đặc thù bao gồm những hệ thống cơ điện lạnh (MEP) phức tạp. Và mảnh ghép quan trọng cho việc này trong liên danh Hoa Lư chính là công ty PLE đến từ Thái Lan.

PLE hiện là một trong những nhà thầu lớn nhất đồng thời là đơn vị đứng đầu trong mảng thi công cơ điện lạnh tại Thái Lan. Ngay tại thời điểm này, PLE với vai trò tổng thầu thi công đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng của dự án mở rộng sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok với việc xây dựng một nhà ga mới quy mô 25 triệu khách/năm.

Với sự tương đồng về địa lý, khí hậu, quy mô, tiến độ … của sân bay Long Thành và sân bay Bangkok cũng như những kinh nghiệm “nóng hổi” từ việc triển khai dự án vừa xong nên đội ngũ PLE đang rất háo hức để bắt tay vào dự án mới nếu như liên danh Hoa Lư được lựa chọn.

PLE đánh giá dự án Long Thành thậm chí còn dễ thực hiện hơn ở việc xây mới từ đầu trong khi dự án ở Bangkok phải tốn nhiều công sức để liên thông 2 hệ thống nhà ga cũ – mới với nhiều khác biệt về hệ thống khi xây dựng cách nhau 20 năm.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong thời gian dài về cả phương án thi công, tài chính, năng lực – kinh nghiệm từ toàn bộ các thành viên nên liên danh Hoa Lực tỏ ra rất tự tin về cột mốc hoàn thành gói thầu 5.10 trong 36 tháng, ngắn hơn 3 tháng so với yêu cầu từ chủ đầu tư.

Chủ tịch Hòa Bình Lê Viết Hải chia sẻ nếu được chọn thì liên danh xác định đây không đơn thuần là một dự án làm ăn kinh doanh mà là một bước đi để phát triển năng lực, khẳng định uy tín. Dự án nếu được trao cho các nhà thầu Việt Nam thì đây là một cột mốc biểu tượng mới của ngành xây dựng nói chung. Từ chỗ phụ thuộc vào nhà thầu nước ngoài, rất nhiều công trình nhà cao tầng, cầu – hầm với độ phức tạp cao hiện đã được các nhà thầu trong nước đảm đương phần lớn.

Ông Trần Quang Tuấn, Chủ tịch Central Construction cho biết với tiến độ xây dựng nhanh, liên danh đã tính đến trường hợp dòng tiền có thời điểm âm 5.000 tỷ đồng (do chủ đầu tư chưa thanh toán kịp). Với vai trò đứng đầu liên doanh, Coteccons đã đứng ra làm việc với 4 ngân hàng lớn là Vietinbank, MB, TPBank và BIDV để thu xếp nguồn vốn cho toàn bộ các thành viên tham gia, đảm bảo dự án không bị đình trệ vì yếu tố tài chính.

Thực tế có nhiều dự án hạ tầng lớn do nhà thầu ngoại thực hiện đã gặp rất nhiều rủi ro về chậm tiến độ, đội vốn khi họ có xu hướng tận dụng những khó khăn vướng mắc của chủ đầu tư để gia tăng lợi ích của mình.

Ông Lê Viết Hải nhấn mạnh các nhà thầu Việt Nam đã cam kết tới mức này rồi thì có lẽ đã chấp nhận đâm lao bằng mọi giá, dự án sẽ chỉ có chuyện là 3 năm hoặc ngắn hơn là phải về đích, còn bao nhiêu khách hàng, chủ đầu tư FDI người ta nhìn vào nữa. Dự án này xác định là vì sự phát triển lâu dài của ngành xây dựng chứ ko đơn giản chỉ là những tuyên bố xuông.

Kinh Kha

Nhịp sống thị trường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *