Doanh nghiệp viễn thông tìm vùng phát triển mới

Thị trường viễn thông 6 tháng đầu năm 2023 vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá. Tuy nhiên, trong bức tranh chung của thị trường, mức tăng/đạt kế hoạch của các “ông lớn” viễn thông mang những gam màu khác nhau. Để duy trì tăng trưởng, các doanh nghiệp rất khó dựa vào những trụ cột truyền thống mà phải đi tìm những vùng không gian tăng trưởng mới…

Doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.614.206 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 45.905 tỷ đồng, đóng góp vào GDP của ngành thông tin và truyền thông ước đạt 389.792 tỷ đồng.

Doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.614.206 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 45.905 tỷ đồng, đóng góp vào GDP của ngành thông tin và truyền thông ước đạt 389.792 tỷ đồng.

Theo báo cáo Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước đạt 1.614.206 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 45.905 tỷ đồng, đóng góp vào GDP của ngành thông tin và truyền thông ước đạt 389.792 tỷ đồng.
Trong đó, đối với riêng lĩnh vực viễn thông, doanh thu dịch vụ viễn thông 6 tháng đầu năm ước đạt 74.473 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 53% kế hoạch năm 2023 và nộp ngân sách lĩnh vực viễn thông ước đạt 19.338 tỷ đồng.

TĂNG TRƯỞNG KHÁC NHAU CỦA CÁC NHÀ MẠNG

Trong bức tranh chung của ngành viễn thông 6 tháng đầu năm 2023 còn có những gam màu ấn tượng. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang ước đạt 77,1%, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 91,8% kế hoạch năm 2023, tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 78,59%, đã vượt mục tiêu kế hoạch năm 2023 (kế hoạch năm 2023 là 76%).

Số thuê bao băng rộng cố định đạt 22,14 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 22,26 thuê bao/100 dân), tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 88,6% kế hoạch năm 2023. Số thuê bao băng rộng di động đạt 86,2 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 86,67 thuê bao/100 dân), tăng 5,67% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 95,2% kế hoạch năm 2023. Số thuê bao sử dụng điện thoại di động thông minh ước đạt 101,12 triệu thuê bao, tăng 8,73% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh nghiệp viễn thông tìm vùng phát triển mới

 

Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel) được xem là doanh nghiệp viễn thông có kết quả kinh doanh tốt nhất trong 6 tháng đầu năm khi đã hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, với doanh thu đạt 81 nghìn tỷ đồng xấp xỉ đạt 101,2% kế hoạch 6 tháng; lợi nhuận đạt 24,1 nghìn tỷ xấp xỉ 102% kế hoạch 6 tháng; nộp ngân sách: 21,6 nghìn tỷ, hoàn thành 101% kế hoạch 6 tháng.

Trong lĩnh vực viễn thông di động, Viettel cho biết vẫn đạt mức tăng trưởng tốt. Cụ thể, nhà mạng này tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về thị phần thuê bao di động (53,8%), đồng thời tích cực chuyển dịch thuê bao 2G, 3G lên 4G, nâng tỷ lệ thuê bao 4G/tổng số thuê bao đạt khoảng 78%. Dịch vụ viễn thông nước ngoài của Viettel cũng tăng trưởng trên 20%, trong đó 5 thị trường tiếp tục giữ vững vị trí số 1 là Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor, Burundi.

Trong 6 tháng cuối năm, Viettel đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 93.500 tỷ đồng, lũy kế cả năm đạt 174.500 tỷ đồng, qua đó hoàn thành 100% kế hoạch năm. Tương tự, mức lợi nhuận mục tiêu trong 6 tháng cuối năm của Viettel là 21.000 tỷ đồng, lũy kế cả năm đạt 45.100 tỷ đồng, qua đó hoàn thành 100% kế hoạch năm. Doanh nghiệp cũng dự kiến nộp ngân sách 16.500 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm, lũy kế cả năm sẽ là 38.100 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch.

Doanh nghiệp viễn thông tìm vùng phát triển mới

Về phía Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), doanh thu hợp nhất của tập đoàn này trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 26.323 tỷ đồng, trong đó doanh thu công ty mẹ đạt 18.600 tỷ đồng, bằng 47,1% kế hoạch năm, bằng 100,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VNPT trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2.196 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 1.386 tỷ đồng, bằng 49,7% kế hoạch năm, bằng 101% so với cùng kỳ.

Trong số ba nhà mạng lớn, Tổng công ty Viễn thông MobiFone mang gam màu trầm hơn. Doanh thu của nhà mạng này trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 13.482 tỷ đồng, chỉ tương đương 89,3% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.566 tỷ đồng, đạt 69,5% cùng kỳ năm 2022. MobiFone cũng nộp ngân sách nhà nước 1.347 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023.

Đánh giá về lĩnh vực viễn thông 6 tháng đầu năm 2023, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết một trong các hoạt động chính của lĩnh vực viễn thông là tiến hành cập nhật thông tin thuê bao, đối soát cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong thời gian qua, đã đối soát hơn 11 triệu thuê bao, trong quá trình cập nhật đã khóa và phục hồi xấp xỉ 2,5 triệu thuê bao thông tin không chính xác.

Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tiến hành thanh tra SIM rác, kích hoạt trước trên toàn quốc với 71 đoàn thanh tra. Bộ ban hành chỉ số đánh giá phát triển hạ tầng số tại địa phương. Năm nay, bộ xác định hạ tầng số của địa phương quan trọng không kém hạ tầng giao thông, nếu không phát triển sẽ không có hạ tầng phục vụ chuyển đổi số.

Dù vậy, theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, lĩnh vực viễn thông còn một số tồn tại, như: còn hơn 200.000 khách hàng sở hữu nhiều SIM; cuộc gọi rác vẫn nhiều, khoảng 2.000 cuộc gọi lừa đảo mỗi tháng; Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai đấu giá tần số nhưng chưa thành công.

Cụ thể, trong tháng 5 và tháng 6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đấu giá không thành đối với băng tần 2300 MHz, gồm 03 khối băng tần A1 (2300-2330 MHz), A2 (2330-2360 MHz), A3 (2360- 2390 MHz), mặc dù đã hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá của từng khối A1, A2, A3 nhưng không có doanh nghiệp nộp hồ sơ và nộp tiền đặt trước đăng ký tham gia đấu giá.

TIẾP TỤC MỞ RỘNG KHÔNG GIAN TĂNG TRƯỞNG

Các trụ cột tăng trưởng truyền thống của các doanh nghiệp viễn thông di động là gọi và SMS từ nhiều năm nay đã không còn là động lực tăng trưởng chính khi mà việc giữ được đà tăng (doanh thu từ gọi, SMS) của năm sau so với năm trước đó đã gần như là không thể bởi sự thay thế một phần không nhỏ của các ứng dụng công nghệ mới như OTT. Do đó, các nhà mạng buộc phải đi tìm các vùng không gian tăng trưởng mới.

Tập đoàn VNPT, cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ di động thông qua việc mở rộng không gian tăng trưởng dịch vụ data và dịch vụ số. Đồng thời tiếp tục đà tăng trưởng dịch vụ băng rộng cố định, bằng hai cách.

Doanh nghiệp viễn thông tìm vùng phát triển mới

 

Thứ nhất, điều hành kinh doanh trên dữ liệu, tổ chức kinh doanh trên cơ sở ứng dụng phân tích dữ liệu lớn và công cụ bán hàng.

Thứ hai, triển khai kinh doanh hiệu quả dịch vụ số, theo đó giải quyết triệt để các điểm nghẽn trong phối hợp giữa đơn vị sản xuất và các kênh bán hàng; và tận dụng các chính sách mới của Nhà nước để chiếm lĩnh thị trường.

Ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone, cho biết trong số 13.466 tỷ đồng doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, điểm sáng đến từ lĩnh vực tài chính khi đã đạt 58,9% kế hoạch năm, vượt 41,3% so với cùng kỳ năm ngoái… Doanh thu data, doanh thu MVNO (kinh doanh mạng di động ảo), doanh thu Platform cho thấy sự tăng trưởng, tuy nhiên chưa đạt kỳ vọng và cũng chưa thể bù đắp được những sụt giảm đến từ các loại hình truyền thống. Công tác đảm bảo an toàn mạng lưới của Tổng công ty trong 6 tháng đầu năm 2023 được thực hiện tốt.

“Trong 6 tháng cuối năm, Tổng công ty tiếp tục hướng đến mục tiêu củng cố, tối ưu không gian cũ, tăng cường phát triển không gian mới trên 11 lĩnh vực cụ thể (thương hiệu giới trẻ, trò chơi số, nội dung số, giáo dục số…), tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai công tác quản trị, đầu tư trên toàn Tổng công ty”, Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone Nguyễn Hồng Hiển khẳng định.

Doanh nghiệp viễn thông tìm vùng phát triển mới

Viettel – tập đoàn viễn thông lớn nhất Việt Nam – cho biết sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng truyền hình và chuyển dịch sang công nghệ truyền hình OTT đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của Chính phủ và người dân, tiếp tục thử nghiệm 5G tại 63 tỉnh/thành phố khi có giấy phép. Đồng thời, tiếp tục triển khai trung tâm điều hành thông minh (IOC) cho 37 tỉnh/thành phố, trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC) cho 31 tỉnh/thành phố; kinh doanh hệ sinh thái các dịch vụ cloud; bên cạnh đó phát triển và làm chủ 22/35 các nền tảng số quốc gia quan trọng như: nền tảng điện toán đám mây, dạy học trực tuyến, định danh và xác thực điện tử…

                                                                                                                                                                                                                                                                                              Thủy Diệu

Theo VNEconomy.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *