Một tỉnh miền Bắc quay lại top 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất sau gần 1 thập kỷ, vừa đón thêm 700 triệu USD từ Nhật Bản

top 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất

Sắp tới, với việc ghi nhận các dự án từ Nhật Bản, địa phương này có thể vượt mốc 1 tỷ USD vốn FDI.

top 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất

Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), tính đến 20/09/2023, trong top 10 tỉnh thành thu hút FDI nhiều nhất cả nước ngoài những cái tên quen thuộc như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, thì Hưng Yên là tỉnh đã quay trở lại top 10 kể từ lần gần nhất vào năm 2014.

9 tháng đầu năm, FDI vào Hưng Yên đạt gần 700 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ; ngang ngửa với tổng mức vốn ngoại vào tỉnh này trong cả năm 2022 (747 triệu USD).

Tại Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp Nhật Bản ở Hưng Yên ngày hôm qua (27/9), 14 doanh nghiệp Nhật đã ký kết đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh này với tổng vốn là 732 triệu USD.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho biết, lũy kế đến nay, tổng số dự án đầu tư nước ngoài vào tỉnh Hưng Yên là 516 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 6,313 tỷ USD (gấp 17 lần năm 2003). Các nhà đầu tư nước ngoài đến từ hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau, đứng đầu là Nhật Bản, tiếp theo là Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Italia, Đức, Thụy Sỹ,…

Riêng các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đã rót vốn vào 173 dự án, có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4 tỷ USD và tạo việc làm cho khoảng 45.000 lao động tại Hưng Yên, đóng góp ngân sách nhà nước năm 2022 là khoảng 1.407 tỷ đồng; tương đương 45,5 triệu USD.

Riêng 6 tháng đầu năm 2023, dòng vốn FDI từ Nhật Bản đạt khoảng 880 tỷ đồng, tương đương 38,2 triệu USD.

Tỉnh Hưng Yên hiện có 17 KCN đang hoạt động với diện tích hơn 4.400 ha. Điển hình trong số các doanh nghiệp đến đầu tư tại Hưng Yên là Tập đoàn Sumitomo – chủ đầu tư KCN Thăng Long II. KCN này được thành lập từ năm 2006 với quy mô ban đầu là 219,6 ha. Đến nay KCN đã mở rộng giai đoạn 3 với quy mô khoảng 525 ha, lấp đầy trên 60% diện tích có thể cho thuê.

Một dự án khác do doanh nghiệp Việt làm chủ đầu tư KCN Phố Nối A quy mô 688,94 ha cũng kéo về rất nhiều vốn ngoại. KCN do Tập đoàn Hoà Phát làm chủ đầu tư đã nhận được 215 dự án (94 dự án FDI và 121 dự án DDI), với tổng vốn đăng ký khoảng 1.192 triệu USD và 22.196 tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án của các Nhà đầu tư đến từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ như: Canon Electronics INC, Hyundai, Lixil, Dorco, Cargill…

Ngoài ra, tại các KCN ở Hưng Yên, một số dự án có vốn đầu tư lớn, hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao do các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư có thể kể đến là: Các dự án của Toto với tổng vốn đầu tư 403 triệu USD, Dự án của Nippon Mektron với tổng vốn 300 triệu USD, các dự án của Kyocera với tổng vốn 385 triệu USD, Dự án Hoya với tổng vốn 214 triệu USD; Dự án của Tôn Hòa Phát với tổng vốn 4.300 tỷ đồng,…

Nói thêm về tiềm năng phát triển KCN và thu hút FDI, tỉnh có ưu thế nổi bật là giáp Thủ đô Hà Nội, gần các cảng biển lớn của miền Bắc và có đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đi qua. Từ các Khu công nghiệp của tỉnh Hưng Yên, thời gian di chuyển đến thủ đô Hà Nội chỉ mất 25 phút; đến cảng Hải Phòng khoảng 1 tiếng; đến sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 40 phút; là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế – xã hội, nhất là phát triển công nghiệp, hoạt động giao thương.

Hưng Yên cũng có ưu thế về lực lượng lao động dồi dào, dân số trên 1,27 triệu người, 83% là dân nông thôn; trên 700.000 người trong độ tuổi lao động, 50% đã qua đào tạo. Trong thời gian qua, tỉnh Hưng Yên cũng đã thu hút nhiều dự án đầu tư xây dựng các khu nhà ở, khu đô thị chất lượng cao, khu nhà ở xã hội phục vụ việc an cư cho lao động.

Nguồn vốn FDI đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp và dịch vụ đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Hưng Yên ước đạt 13,4%, đây là mức tăng cao nhất trong 12 năm trở lại đây. GRDP bình quân đầu người đạt 102,3 triệu đồng, tăng 16,1%. Từ 2020 đến nay, thu ngân sách nội địa từ các KCN tại địa bàn Hưng Yên đạt trên 2.800 tỷ đồng; giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho trên 78.000 lao động.

Theo kế hoạch đến năm 2030 của tỉnh, Hưng Yên sẽ có 21 khu công nghiệp đi vào hoạt động và năm 2050 là 33 khu công nghiệp. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh có công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước. Trước năm 2037, Hưng Yên sẽ là đô thị loại 1- thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhật Minh

Nhịp sống thị trường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *