Nhiều doanh nghiệp bất động sản chấp nhận vay hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu với lãi suất lên đến 14%

Trái phiếu có mức lãi suất cao 13-14% chủ yếu được phát hành bởi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản trong khi trái phiếu của nhóm sản xuất hoặc tài chính – ngân hàng có mặt bằng lãi suất thấp hơn.

Sau liên tiếp những động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (SBV), mặt bằng lãi suất huy động đã thấp hơn đáng kể so với giai đoạn cuối năm ngoái. Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại giảm chậm hơn nhưng cũng đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

Dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn phải huy động vốn qua kênh trái phiếu với lãi suất cao, thậm chí mức lãi suất coupon 13-14% đang trở nên phổ biến hơn. Chỉ triêng trong tháng 6 vừa qua, đã có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp có quy mô hàng nghìn tỷ với mức lãi suất gấp đôi mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản chấp nhận vay hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu với lãi suất lên đến 14% - Ảnh 1.

Một số đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất cao từ đầu năm. Nguồn: Tổng hợp từ HNX

Gần nhất vào đúng ngày cuối cùng của tháng 6, Công ty TNHH Đầu tư phát triển Bất động sản TMT đã hoàn tất chào bán trái phiếu với mức lãi suất 13,75%/năm. Theo đó, doanh nghiệp đã phát hành 20.150 trái phiếu, huy động 2.015 tỷ đồng, kỳ hạn trái phiếu 7 năm, từ 2023 đến 2030. Đây là lô trái phiếu đầu tiên mà TMT phát hành kể từ khi thành lập vào tháng 7/2021 đến nay.

Tương tự, Công ty TNHH Phát triển kinh doanh xây dựng 3 (XD3C) cũng đã có lần đầu tiên huy động vốn từ trái phiếu kể từ khi thành lập. Lô trái phiếu được phát hành ngày 23/6 có giá trị lên đến 2.250 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm và mức lãi suất coupon là 14%/năm. Trước khi phát hành trái phiếu, XD3C đã tăng vốn điều lệ từ 2 tỷ đồng lên 252 tỷ đồng trong tháng 5/2023.

Cũng với mức lãi suất 14%/năm, CTCP Vinam Land phát hành thành công 15.000 trái phiếu mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu vào ngày 23/6/2023 với kỳ hạn 72 tháng, đáo hạn vào ngày 23/6/2029. Giống như XD3C, trước khi phát hành trái phiếu, Vinam Land cũng đã thực hiện tăng vốn điều lệ lên 520 tỷ đồng vào tháng 5/2023.

Trước đó trong giai đoạn tháng 3-4, đã có một số lô trái phiếu được phát hành với mức lãi suất tương tự. Đáng chú ý là thương vụ CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Đô thị Ngôi sao Phương Nam phát hành 46.950 trái phiếu huy động gần 4.695 tỷ đồng trong ngày 16/3. Lô trái phiếu có kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn vào ngày 16/9/2024, lãi suất kết hợp giữa cố định 13%/năm và thả nổi.

Cùng mức lãi suất 13%/năm (loại lãi suất kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi), CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nam An cũng đã huy động 4.700 tỷ đồng thông qua phát hành 47.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng. Lô trái phiếu có kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn ngày 10/3/2024. Ngoài ra, thị trường còn một số đợt phát hành trái phiếu với lãi suất tương tự nhưng quy mô nhỏ hơn.

Nhìn chung, trái phiếu có mức lãi suất cao 13-14% chủ yếu được phát hành bởi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và đa phần là các công ty không đại chúng, ít thông tin trên thị trường. Trong khi đó, trái phiếu của các doanh nghiệp sản xuất hoặc nhóm tài chính – ngân hàng có mặt bằng lãi suất thấp hơn.

Thị trường trái phiếu vẫn trầm lắng

Thực tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn khá trầm lắng ngay cả khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã được ban hànhtừ tháng 3. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị phát hành đạt khoảng 38.142 tỷ đồng, giảm 79,1% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng giá trị các đợt phát hành riêng lẻ đạt 32.242 tỷ đồng, giảm 81,6% so với nửa đầu năm ngoái.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản chấp nhận vay hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu với lãi suất lên đến 14% - Ảnh 2.

Theo VNDirect, niềm tin của các nhà đầu tư chưa quay trở lại trong bối cảnh còn nhiều tổ chức phát hành đang gặp khó khăn về hoạt động kinh doanh. Khó khăn về dòng tiền dẫn tới chậm thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn là nguyên nhân chính khiến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn ảm đạm trong quý 2 vừa qua.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu tiếp tục tăng lên. Đến ngày 26/06/2023, có khoảng 59 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu theo thông báo của HNX.

Mặt khác, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn đang diễn ra khá rầm rộ. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn trong quý 2 đạt hơn 62.535 tỷ đồng, tăng 76,8% so với quý trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ. Tốc độ mua lại có xu hướng tăng mạnh kể từ tháng 5. Theo VNDirect, giá trị mua lại trước hạn tăng mạnh trong quý vừa qua phần lớn đến từ nhóm ngân hàng.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản chấp nhận vay hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu với lãi suất lên đến 14% - Ảnh 3.

Hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ cũng diễn ra sôi động kể từ sau khi Nghị định 08 được ban hành. Tính đến ngày 26/06 đã có hơn 30 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ và báo cáo chính thức lên HNX. Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn là hơn 42.000 tỷ đồng.

Năm 2023, VNDirect ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 223.400 tỷ đồng, tăng 45,6% so với cùng kỳ. Riêng quý 3 sẽ có khoảng hơn 75.900 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tăng 14,9% so với quý 2. Trong đó, nhóm bất động sản có tỷ trọng lớn nhất chiếm gần 43,6% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong quý 3.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản chấp nhận vay hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu với lãi suất lên đến 14% - Ảnh 4.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *