Vietcombank: Lợi nhuận tăng 13% trong quý I, dự phòng bao nợ xấu tiếp tục cao nhất hệ thống

Vietcombank: Lợi nhuận tăng 13% trong quý I, dự phòng bao nợ xấu tiếp tục cao nhất hệ thống

Không nằm ngoài xu hướng chung toàn ngành, nợ xấu nội bảng của Vietcombank cũng tăng 27% trong quý I.

Lợi nhuận tăng trưởng gần 13%

Theo báo cáo tài chính quý I, lợi nhuận hợp nhất trước thuế và sau thuế của Vietcombank đạt 11.221 tỷ đồng và 8.992 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Đại hội cổ đông thường niên vừa qua, cổ đông Vietcombank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu lợi nhuận lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 15% so với năm 2022. Trước đó, ngân hàng này ghi nhận mức lãi hợp nhất trước thuế 37.368 tỷ đồng trong năm 2022. Như vậy, năm 2023, Vietcombank dự kiến lãi tối thiểu khoảng 43.000 tỷ đồng.

Với kết quả đạt được, ban lãnh đạo ngân hàng tự tin sẽ hoàn thành và vượt các mục tiêu kinh doanh đề ra.

Tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank trong quý I đến từ diễn biến tích cực của của hoạt động kinh doanh cốt lõi và việc cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Cụ thể, trong kỳ vừa qua, thu nhập lãi thuần của Vietcombank đạt hơn 14.200 tỷ, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2022. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 12,1%, đạt 1.706 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh khác mang về cho ngân hàng 1.083 tỷ, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ bất ngở giảm mạnh hơn 46%, xuống còn 1.456 tỷ đồng.

Vietcombank không thuyết minh chi tiết về nguyên nhân sụt giảm của nguồn thu quan trọng này, song hầu hết các khoản thu nhập dịch vụ của ngân hàng đến từ hoạt động thanh toán và các dịch vụ khác.

Vietcombank: Lợi nhuận tăng 13% trong quý I, dự phòng bao nợ xấu tiếp tục cao nhất hệ thống - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh Vietcombank trong quý I

Tổng hợp các mảng kinh doanh, tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank đạt 18.517 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ 2022. Trong khi chi phí hoạt động tăng 17% lên 5.274 tỷ đồng, với chi lương và phụ cấp cho nhân viên chiếm một nửa (2.626 tỷ đồng).

Sau khi khấu trừ chi phí hoạt động, lãi thuần của Vietcombank trong quý I đạt 13.243 tỷ đồng, tăng 8,3%. Đây là cầu phần chính giúp lợi nhuận trước thuế tăng trưởng trong quý I.

Trong kỳ vừa qua, Vietcombank đã trích 2.022 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm hơn 11% so với quý I/2022. Qua đó, đóng góp 252 tỷ trong 1.271 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế tăng thêm của ngân hàng.

Nợ xấu tăng 27%

Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,846 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với hồi đầu năm.

Dư nợ cho vay khách hàng đạt trên 1,174 triệu tỷ, tăng 2,5%. Trong đó, nợ xấu tăng 27,1% lên 9.942 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,68% hồi đầu năm lên 0,85%.

Như vậy, không nằm ngoài xu hướng chung của toàn ngành, nợ xấu của Vietcombank cũng tăng trong quý I.

Vietcombank: Lợi nhuận tăng 13% trong quý I, dự phòng bao nợ xấu tiếp tục cao nhất hệ thống - Ảnh 2.

Các chỉ tiêu tài sản của Vietcombank

Đi sâu vào cấu phần nợ xấu, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh lên 2.524 tỷ đồng, gấp 6 lần hồi đầu năm; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 25,2% lên mức gần 980 tỷ đồng; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm 2,8% xuống 6.439 tỷ đồng.

Ngoài nợ xấu, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) của Vietcombank cũng tăng thêm gần 85% lên mức 7.542 tỷ đồng.

Tính chung, tổng nợ nhóm 2 – 5 của Vietcombank ở mức gần 17.485 tỷ đồng, tương đương 1,49% tổng dư nợ trong khi hồi đầu năm chỉ chiếm 1,04%.

Tại thời điểm cuối tháng 3, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank đạt gần 321%, cao hơn mức 319% hồi đầu năm. Điều này có nghĩa, mỗi đồng nợ xấu của ngân hàng đang được trích lập dự phòng hơn 3,2 đồng – tiếp tục là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống.

Vietcombank: Lợi nhuận tăng 13% trong quý I, dự phòng bao nợ xấu tiếp tục cao nhất hệ thống - Ảnh 3.

Nguồn: BCTC hợp nhất Vietcombank

Vào cuối quý I, Vietcombank đang nắm giữ khối tài sản đảm bảo có giá trị hơn 2,139 triệu tỷ đồng. Trong đó, bất động sản thế chấp có giá trị 1,587 triệu tỷ, chiếm hơn 74%.

Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng trong quý I tăng 3,1% lên mức hơn 1,281 triệu tỷ. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn giảm 8,45% xuống còn 368.112 tỷ đồng; tiền gửi có kỳ hạn tăng 8,53% lên mức 891.784 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/3 ở mức 144.658 tỷ đồng, tăng hơn 9.000 tỷ so với hồi đầu năm và tiếp tục dẫn đầu hệ thống ngân hàng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *