Báo cáo PCI năm 2023: chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện rõ rệt

Báo cáo PCI năm 2023: chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện rõ rệt

Khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 cho thấy có sự cải thiện rõ rệt trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cắt giảm chi phí không chính thức và cải cách thủ tục hành chính.

Ngày 9/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lễ công bố báo PCI và PGI năm 2023.

Nhiều tên mới trong bảng xếp hạng

Theo bảng xếp hạng, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 với 71,25 điểm. Đây cũng là lần thứ 7 liên tiếp Quảng Ninh dẫn đầu chỉ số CPI và năm thứ 11 nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Quảng Ninh ghi dấu ấn rõ rệt trong việc giảm thiểu gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp, khi chỉ số thành phần Chi phí thời gian đạt 8,54 điểm, cao nhất cả nước.

Báo cáo PCI năm 2023: chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện rõ rệt
Bảng xếp hạng 30 tỉnh, thành có chất lượng điều hành tốt nhất 2023.

Á quân PCI năm nay thuộc về tỉnh Long An. Với bước tiến lớn về điểm số (2,49 điểm) và tăng tới 8 bậc so với năm 2022, tỉnh Long An giành vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng với 70,94 điểm. Các doanh nghiệp đánh giá cao địa phương này về nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp với chỉ số thành phần “Chi phí không chính thức” đạt 7,74 điểm, đứng thứ 2/62 địa phương.

Các vị trí tiếp theo trong Top 5 của bảng xếp hạng PCI 2023 lần lượt là Hải Phòng (70,34 điểm) và các tỉnh Bắc Giang (69,75 điểm), Đồng Tháp (69,66 điểm).

Ngoài ra, phải kể đến một số cái tên mới cũng xuất hiện trong Top 10 bảng xếp hạng PCI năm nay gồm: Bến Tre (69,2 điểm), Hậu Giang (69,17 điểm), và Phú Thọ (69,1 điểm).

Nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất trong PCI 2023 có một số gương mặt mới so với năm 2022. Đó là các tỉnh Hải Dương, Bình Thuận, Ninh Bình, Tây Ninh, Đắk Nông, Cà Mau, Tiền Giang và Thanh Hóa.

Một điểm đáng chú ý trong PCI 2023, với 5 thành phố trực thuộc Trung ương chỉ có duy nhất Hải Phòng góp mặt trong Top 10 (thứ 3). Trong khi đó, Cần Thơ xếp thứ 14, Đà Nẵng ở vị trí thứ 16, TP Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vị trí thứ 27, Hà Nội xếp ở vị trí thứ 28.

Tính theo tỷ lệ các tỉnh trong từng vùng thuộc Top 30 của PCI 2023, vùng Đồng bằng Sông Hồng đứng đầu (63,6%), tiếp theo là các vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (61,5%), Đông Nam Bộ (50%), Duyên hải miền Trung (42,9%) và Tây Nguyên (20%).

Báo cáo PCI và PGI 2023 được xây dựng từ thông tin phản hồi của 10.676 doanh nghiệp, trong đó có 9.127 doanh nghiệp tư nhân trong nước và 1.549 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) đang hoạt động tại Việt Nam.

Báo cáo PCI năm 2023: chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện rõ rệt
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại lễ công bố.

Cần cải cách thực chất hơn môi trường đầu tư kinh doanh

Báo cáo ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực của chính quyền các tỉnh, thành phố trong nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Khảo sát PCI và PGI năm 2023 cho thấy có sự cải thiện rõ rệt trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cắt giảm chi phí không chính thức và cải cách thủ tục hành chính. Đáng chú ý, việc ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp số hóa đang mang lại hiệu quả thiết thực khi gần 77% doanh nghiệp cho biết đã tiết giảm được thời gian và chi phí từ thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến thay vì theo hình thức truyền thống.

Bối cảnh kinh tế đầy thách thức cũng được phản ánh trong báo cáo năm nay khi tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng hoạt động trong thời gian tới chỉ ở mức thấp, doanh nghiệp cho biết đang phải chật vật đương đầu với nhiều khó khăn về tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, thiếu hụt nguồn nhân lực lành nghề, cũng như các thủ tục hành chính. Các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với tình hình thiên tai, biến đối khí hậu diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Những yếu tố từ bên ngoài làm gia tăng khó khăn với hoạt động kinh doanh như căng thẳng địa chính trị tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, lạm phát vẫn ở mức cao ở nhiều quốc gia, thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu suy giảm, hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại gia tăng…

“Để trợ lực cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong thời gian tới, chính quyền các địa phương cần triển khai thực chất hơn nữa các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tình hình kinh tế khó khăn rất cần sự hỗ trợ, tinh thần năng động, tiên phong của chính quyền các tỉnh,  thành phố. Trong bối cảnh nhiều bất định và biến động của tình hình thế giới, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần sự ổn định, nhất quán và tin cậy trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật” – Chủ tịch VCCI  Phạm Tấn Công nêu ý kiến.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper cho biết, phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đang phát huy nền tảng quan hệ đối tác gần 20 năm qua với VCCI để giúp Việt Nam nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới thông qua chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh.

Bằng cách thúc đẩy những cải cách thể chế và đầu tư thân thiện với môi trường, Chỉ số Xanh cấp tỉnh sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững cũng như mục tiêu tham vọng của Việt Nam là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Sau khi thí điểm vào năm 2022, năm nay VCCI đã hoàn thiện và công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là bộ chỉ số cung cấp thông tin đầu vào từ thực tiễn kinh doanh để hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố trong công tác quản trị môi trường, cân bằng giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường.

Phân tích của báo cáo PCI và PGI 2023 cho thấy, điểm số PGI cao tương ứng với chất lượng môi trường và khả năng ứng phó, chống chịu thiên tai, biến đổi khí hậu tốt hơn tại các địa phương. Tuy nhiên, chính quyền các tỉnh, thành phố đang gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm, triển khai các sáng kiến, giải pháp về môi trường tại địa phương, thiếu nguồn lực và năng lực chuyên môn, khả năng phối hợp trong xử lý các vấn đề vùng/liên vùng, hoặc doanh nghiệp chưa có đủ nhận thức và động lực thay đổi.

Với việc xây dựng và công bố PGI bên cạnh chỉ số PCI, VCCI mong muốn các địa phương tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh mạnh mẽ đồng thời quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường.

Báo cáo PCI và PGI 2023 là nghiên cứu được VCCI thực hiện hàng năm trong dự án Sáng kiến Chỉ số Xanh cấp tỉnh 2023-2028 với sự hỗ trợ từ USAID và các đối tác tư nhân (Công ty TNHH nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam và Công ty CP Dược phẩm Pharmacity) nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi và thân thiện với môi trường ở Việt Nam.

Theo: Kinh tế đô thị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *