Các ngân hàng lớn bấp bênh khiến kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ bất ổn

Kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng chậm trong năm nay do nhiều yếu tố tiêu cực tác động, trong đó có sự bấp bênh của một số “ông lớn” trong ngành ngân hàng.

Mấy tháng qua, dư luận trong nước và thế giới dồn sự chú ý vào sự ổn định tài chính toàn cầu khi một số ngân hàng lớn ở Mỹ sụp đổ (trong đó có Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank), ngân hàng Credit Suisse danh tiếng và lâu đời ở Thụy Sỹ bị bán nhanh chóng.

Nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Pierre-Olivier Gourinchas cảnh báo: Tình trạng bấp bênh của một số ngân hàng lớn trên thế giới có thể khiến tài chính toàn cầu lung lay. Việc lãi suất tăng khiến các ngân hàng dễ bị tổn thương, đồng thời phản ứng của ngành ngân hàng có thể sẽ gây ra rủi ro đáng kể đối với sự tăng trưởng kinh tế thế giới.

Ông Pierre-Olivier Gourinchas phân tích, các đợt tăng lãi suất của một số ngân hàng trung ương đã làm gia tăng chi phí huy động vốn của ngân hàng thương mại, trong khi các ngân hàng cũng ghi nhận một số tổn thất về tài sản như trái phiếu dài hạn. Các biến động gần đây sẽ khiến họ thận trọng hơn và có thể hạn chế phần nào việc cho vay.

Chuyên gia của IMF cho rằng, các điều kiện cấp vốn cho ngành ngân hàng sẽ ngày càng bị thắt chặt, đồng thời thu hẹp hoạt động cho vay. Nếu viễn cảnh này xảy ra, tăng trưởng toàn cầu năm 2023 có khả năng sẽ chỉ đạt mức 2,5%.

Tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về hàng hóa diễn ra mới đây ở Lausanne, Thụy Sĩ, các đại biểu lo ngại rằng sự hỗn loạn tài chính gần đây và sự kết hợp của hai ngân hàng lớn có thể hạn chế các dịch vụ đối với các thương nhân nhỏ.

Trước nguy cơ bất ổn trong hệ thống ngân hàng, các ngân hàng trung ương đã đưa ra giải pháp cứu trợ tín dụng và cổ phiếu ngân hàng lao dốc. Và nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu đây có phải là sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng tài chính hay không?

Ngân hàng Thụy Sĩ nổi tiếng về sự ổn định tài chính, do vậy việc Credit Suisse rơi vào tình trạng không chắc chắn và “cuộc hôn nhân” chóng vánh với UBS đã khiến cả thế giới choáng váng. Mặc dù Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank được cho là những vụ phá sản ngân hàng lớn nhất ở Mỹ kể từ năm 2008, nhưng cả hai vụ này đều không bằng quy mô của Credit Suisse.

Giới quan sát thị trường nhận định, dù không có vấn đề toàn hệ thống giống như năm 2008 nhưng sự lo lắng xung quanh “sức khỏe” của các ngân hàng thường dễ lây lan. Và nếu mọi người bắt đầu lo lắng về tiền gửi của họ, họ có thể di chuyển chúng đi chỉ bằng một cú nhấp chuột.

Ngay cả khi không xuất hiện sự sụp đổ hoàn toàn về niềm tin, vốn là đặc trưng của cuộc khủng hoảng tài chính, các cơ quan quản lý có thể sẽ thắt chặt các quy tắc hơn nữa, và các ngân hàng không sẵn sàng cho vay. Điều đó có thể gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *