Giải mã sự biến hóa kỳ lạ của con số lợi nhuận trên báo cáo tài chính trước và sau mỗi mùa kiểm toán

Sau mỗi mùa kiểm toán, lợi nhuận trên báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp niêm yết giảm một cách đáng kinh ngạc, thậm chí tới 92% so với kết quả tự lập công bố trước đó

Một loạt các doanh nghiệp giảm lãi, tăng lỗ sau khi có BCTC kiểm toán

CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (HOSE: SHS) giảm hơn 100 tỷ đồng lợi nhuận so với kết quả trên BCTC tự lập công bố trước đó, từ LÃI 39 tỷ đồng xuống mức LỖ 86,5 tỷ đồng trước thuế.

Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF), lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính riêng sau soát xét “bốc hơi” 89%, còn 1,4 tỷ đồng.

Công ty CP Thaiholdinsg (HOSE: THD), lãi sau thuế trên báo cáo tài chính soát xét giảm hơn 180 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, còn 217,1 tỷ đồng.

Kỷ lục bốc hơi tới 92% lợi nhuận sau BCTC kiểm toán thuộc về Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (HOSE: KBC). Công ty này tự báo lãi sau thuế 2.457 tỷ đồng nửa năm đầu 2022; tuy nhiên sau kiểm toán, lợi nhuận của KBC sụt giảm mạnh 92%, chỉ còn 200 tỷ đồng, chênh lệch tới 2.256 tỷ đồng.

Không chỉ bốc hơi Lợi nhuận, Tăng lỗ cũng trở thành câu chuyện gặp nhiều trong mùa kiểm toán BCTC bán niên 2022 với những doanh nghiệp như Công ty CP VKC Holdings (HNX: VKC), tăng lỗ thêm 166,49 tỷ đồng, lên 191,14 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (HNX: NDN) tăng lỗ thêm 4,4 tỷ đồng, lên 95,22 tỷ đồng…

Đi tìm nguyên nhân 

Lợi nhuận hay khả năng sinh lời là chỉ tiêu nhà đầu tư hay nhìn đến nhất khi đánh giá một công ty, vì vậy không có gì khó hiểu khi các doanh nghiệp niêm yết luôn muốn làm đẹp chỉ số này.

Con đường chung sẽ có 2 cách, hoặc tăng Doanh thu (Thu nhập) hoặc giảm Chi phí.

Với cách thứ nhất, nhà đầu tư nên lưu ý tới những khoản Doanh thu tài chính, hoặc thu nhập khác mang tính chất bất thường và đột biến.

Giao dịch mua rẻ (đánh giá lại khoản đầu tư) là một thủ thuật “book” lợi nhuận khá phổ biến. Theo đó, doanh nghiệp bỏ tiền mua (rẻ) cổ phần sở hữu của 1 doanh nghiệp, sau đó đánh giá lại giá trị số cổ phần sở hữu và hạch toán chênh lệch này như một khoản thu nhập.

Tại báo cáo bán niên 2022 tự lập của KBC, nguồn chính tạo ra khoản lãi 2.457 tỷ đồng là khoản “thu nhập khác”, được thuyết minh là phần chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh từ giao dịch tăng tỷ lệ sở hữu lên 48% của KBC với Công ty CP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng (gọi tắt là Công ty Sài Gòn – Đà Nẵng).

Nói đơn giản, KBC đã bỏ ra 96 tỷ đồng để mua 9,6 triệu cổ phần của Công ty Sài Gòn – Đà Nẵng, tương đương tỷ lệ sở hữu 48%. Sau đó, KBC đã xác định giá trị của 9,6 triệu cổ phần này là 2.493 tỷ đồng, qua đó ghi nhận lợi nhuận 2.397 tỷ đồng.

Tất nhiên, không dễ gì mua rẻ cổ phần với giá 10.000 đồng của một doanh nghiệp có vốn nghìn tỷ đồng. Nhưng nên nhớ, Công ty Sài Gòn – Đà Nẵng là thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) – một tập đoàn cũng do ông Đặng Thành Tâm (đương kim chủ tịch HĐQT KBC) làm chủ tịch HĐQT.

 Giải mã sự biến hóa kỳ lạ của con số lợi nhuận trên báo cáo tài chính trước và sau mỗi mùa kiểm toán  - Ảnh 1.

Câu chuyện này cũng xuất hiện ở Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE: KDH) trong nửa đầu năm 2022. KDH đã phải nhờ đến khoản “lợi nhuận khác” trị giá tới 294 tỷ đồng để tạo ra tăng trưởng lợi nhuận 23% so với cùng kỳ.

Khoản “lợi nhuận khác” này chủ yếu là “lãi từ giao dịch mua rẻ” – tức là phần chênh lệch giữa phần sở hữu của tập đoàn trong giá trị hợp lý của tài sản thuần có thể xác định được cao hơn giá phí khoản đầu tư vào Công ty Phước Nguyên.

Bằng cách tác động tới chi phí, sẽ có nhiều lối đi cho các doanh nghiệp muốn “ẩn” bớt chi phí trong kỳ, đặc biệt những chi phí không bằng tiền như chi phí dự phòng.

CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) là một ví dụ. Doanh nghiệp này giải trình, lợi nhuận 6 tháng sau soát xét giảm 12 tỷ đồng do công ty ghi nhận bổ sung dự phòng nợ phải thu khó đòi do đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản nợ phải thu từ các công ty con.

Điều này nghĩa là trong BCTC tự lập trước đó, gỗ Trường Thành đã chưa ghi nhận đủ chi phí dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với các khoản nợ phải thu từ các công ty con.

 Giải mã sự biến hóa kỳ lạ của con số lợi nhuận trên báo cáo tài chính trước và sau mỗi mùa kiểm toán  - Ảnh 2.
CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành

Trên thực tế, quy định kế toán luôn rất rõ ràng về việc trích lập dự phòng với những tài sản có khả năng giảm giá hoặc không thu hồi được như tồn kho, phải thu.

Tuy nhiên, chỉ có kiểm toán mới có khả năng tiếp cận đầy đủ chứng từ, kho bãi,… để đánh giá chất lượng các tài sản này và đánh giá doanh nghiệp đã trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định chưa.

Lâu nay, câu chuyện trích lập không đủ chi phí dự phòng trong kỳ vẫn là câu chuyện kinh điển của nhiều doanh nghiệp.

Nhà đầu tư phải làm gì trước sự “trở mặt” của thông tin?

Mặc dù Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trước giờ vẫn luôn “mạnh tay” xử phạt các doanh nghiệp niêm yết khi lập báo cáo tài chính sai lệch nhưng tình trạng này thực tế vẫn đang diễn ra không ít.

Mới đây nhất, Công ty cổ phần Louis Land (HNX: BII) đã bị phạt tới 200 triệu đồng hay Công ty CP One Capital Hospitality (HNX: OCH) cũng bị phạt 150 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch trong báo cáo tài chính tự lập với báo cáo soát xét.

Báo cáo tài chính là một trong những tài liệu làm căn cứ đánh giá về tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp khi nhà đầu tư mua cổ phiếu. Giá cổ phiếu có thể biến động theo các con số mà doanh nghiệp công bố.

Thời gian từ khi BCTC doanh nghiệp công bố với BCTC được kiểm toán là khoảng thời gian nhà đầu tư có thể bị rơi vào tình trạng tiếp nhận thông tin không chính xác dẫn đến những quyết định đầu tư chưa thỏa đáng.

Báo Tiền Phong dẫn lời ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, những doanh nghiệp thường xuyên có sai sót, phải điều chỉnh BCTC, cần được đưa vào một dạng danh sách cảnh báo của UBCKNN.

Đây là cách làm nhiều nước áp dụng, “dán nhãn” cảnh báo vào các doanh nghiệp thiếu minh bạch, để nhà đầu tư theo dõi.

Hiện có 2 niên độ kiểm toán BCTC phổ biến là 6 tháng và 1 năm. Doanh nghiệp cứ có 2 lần đưa BCTC thiếu tin cậy, sẽ bị đưa vào danh sách cảnh báo, nâng dần mức độ nếu tiếp tục vi phạm“, ông Minh khuyến nghị.

Còn theo ý kiến của một trưởng phòng KHDN tại một ngân hàng TMCP, để hạn chế rủi ro trong việc đánh giá năng lực tài chính và hiệu quả của doanh nghiệp thông qua BCTC, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi tiếp cận các báo cáo tài chính của các DN lặp đi lặp lại tình trạng thiếu tin cậy, có sai lệch lớn trước và sau kiểm toán.

Đặc biệt chú ý đến những khoản thu nhập bất thường do đánh giá lại phần góp vốn, thu nhập tài chính,…

Tốt nhất hãy xem những số liệu doanh nghiệp tự công bố mang tính chất tham khảo và chỉ tin cậy báo cáo tài chính kiểm toán, nhất là những đơn vị kiểm toán lớn có uy tín“, vị này chia sẻ

Trong khi lợi nhuận trước và sau khi kiểm toán còn có thể biến hóa khôn lường thì các nhà đầu tư nên tự trang bị kiến thức và sự chọn lọc nhất định để tự bảo vệ mình.

Nhịp sống thị trường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *