Kết luận thanh tra về sai phạm quanh đường Lê Văn Lương: Đi về đâu?

Mặc dù Bộ Xây dựng đã ban hành Kết luận thanh tra số 39 về sai phạm trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch xây dựng quanh đường Lê Văn Lương, Hà Nội… nhưng TP Hà Nội gián tiếp “bác bỏ” khi đăng công khai trả lời về vấn đề này khiến dư luận hết sức băn khoăn. Nhiều người đặt câu hỏi: Kết luận này sẽ đi về đâu, liệu có được thực thi trong thực tế, nhất là khi nhiều nơi cũng được cho là phải được xử lý để ngăn khả năng xảy ra tình trạng tương tự như ở Lê Văn Lương?

Hà Nội phải thực hiện đúng như kết luận thanh tra

Trước những phản hồi của UBND TP Hà Nội về Kết luận Thanh tra số 39 của Bộ Xây dựng về những sai phạm trong quy hoạch dọc trục Lê Văn Lương, Thanh tra Bộ Xây dựng tái khẳng định: “Toàn bộ nội dung kết luận đúng và có các cơ quan khác làm tiếp liên quan đến tuyến đường Lê Văn Lương”. Theo đó, UBND TP Hà Nội phải thực hiện đúng như kết luận đã chỉ ra.

Kết luận thanh tra về sai phạm quanh đường Lê Văn Lương: Đi về đâu? - Ảnh 1.

Tuyến đường Lê Văn Lương với nhiều cao ốc bị điều chỉnh quy hoạch, nâng tầng không đúng được nêu trong Kết luận Thanh tra Bộ Xây dựng (ảnh: Như Ý).

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 22/11, một lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, Thanh tra Kết luận là phải thực hiện không phải chuyện nói qua nói lại bằng văn bản. Vị này khẳng định, ngoài Thanh tra Bộ Xây dựng, các cơ quan khác đang tiếp tục vào kiểm tra liên quan đến tuyến đường Lê Văn Lương.

“Theo thẩm quyền, kết luận thanh tra có 3, 4 lần dự thảo mới đưa ra kết luận chính thức. Cái đúng, cái sai rõ ràng. Thậm chí, có những độc giả dù không biết gì về quy hoạch nhưng nhìn rõ sự sai phạm ở đây, không có chuyện một con đường bé mà mấy chục cao ốc mọc lên. Họ còn tự đánh giá xây dựng đúng quy hoạch nhưng điều chỉnh quy hoạch lại sai”, vị này nói.

Theo vị này, ngay sau Kết luận Thanh tra số 39 của Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 190 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn thành phố. Trong đó, Hà Nội nhấn mạnh xem xét thận trọng, khách quan, khoa học việc điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ quy hoạch, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch làm tăng mật độ dân cư so với quy hoạch được duyệt; không xem xét đối với việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công viên cây xanh, ao, hồ, diện tích công cộng phục vụ dân sinh. “Quy chế này thể hiện rõ ý chí của Hà Nội”, vị này nói.

Trước đó, trong Kết luận Thanh tra số 39 (ngày 17/5/2022) về việc thanh tra Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, với các chủ dự án, công trình và tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra loạt sai phạm trong cấp phép xây dựng, xây dựng sai phép, nâng tầng, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, “ăn bớt” đất cây xanh dọc hai bên trục đường Lê Văn Lương – Tố Hữu, đường Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính.

Sai phạm đường Lê Văn Lương được Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ trách nhiệm thuộc về UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, UBND các quận có dự án sai phạm và chủ đầu tư các dự án.

Những dự án “nâng tầng” còn đó

Theo Kết luận Thanh tra số 39 của Bộ Xây dựng, hàng loạt các dự án được điều chỉnh nâng tầng sai quy hoạch trên tuyến đường Lê Văn Lương. Thậm chí có những dự án bị điều chỉnh nhiều lần theo hướng thay đổi chức năng sử dụng đất, “nhồi” thêm tầng cao.

Cụ thể, dự án Manhattan Tower sau 4 lần điều chỉnh sai quy định, đã tăng số tầng trung bình từ 5 lên 30 tầng, làm tăng quy mô dân số từ 500 người lên khoảng 1.308 người.

Dự án Times Tower của Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Hà Nội điều chỉnh tăng tầng cao từ trung bình 7 tầng cùng 1 tầng kỹ thuật, 1 tum thành 25 tầng, mật độ xây dựng từ 56,7% thành 59,5%, tăng thêm dân số 680 người.

Dự án Handi Resco Lê Văn Lương do liên danh Tổng Cty Handico và Công ty HandiResco là chủ đầu tư với 4 lần điều chỉnh đã điều chỉnh từ đất ở thành văn phòng, thương mại (năm 2008), thành hỗn hợp văn phòng, nhà ở và nhà trẻ (năm 2012); 1 khối văn phòng lại thành tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại, nhà ở và nhà trẻ (năm 2017); nâng từ 6,5 tầng lên 25 tầng khối văn phòng, 27 tầng khối nhà ở, phát sinh tăng dân số 754 người, diện tích sàn xây dựng tăng thêm hơn 10.790m2.

Dự án án Hà Nội Center Point do Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội làm chủ đầu tư điều chỉnh “đất công cộng thành phố” thành đất xây nhà ở cho thuê và đã xây thành nhà ở và tiếp tục bị “biến” thành hỗn hợp (văn phòng, dịch vụ và nhà cho thuê). Mật độ xây dựng dự án này tăng từ 26% thành 52%, tầng cao từ 15 tầng thành 32 tầng, làm tăng thêm dân số khoảng 1.060 người.

Tại dự án The Golden Palm do Công ty CP Phát triển Đầu tư Hà Nội – Sunrise (HDIS) là chủ đầu tư điều chỉnh sai quy định từ đất ở thành dịch vụ, thương mại thành nhà ở, mật độ xây dựng từ 51,7% với tầng cao điểu chỉnh liên tiếp từ 9 lên 23 rồi lên 25 và sau đó lên 27 tầng làm tăng thêm dân số khoảng 914 người.

Ở dự án công trình trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê số 19 đường Lê Văn Lương do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Đầu tư làm chủ đầu tư đã được điều chỉnh sai quy định từ “đất ở” thành đất xây trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê, tầng cao từ trung bình 7-9 tầng thành 16 tầng.

Dự án tòa văn phòng Hud Tower điều chỉnh sai quy định trong xây dựng. Đất cho dự án này được điều chỉnh từ “đất ở” thành “đất xây dựng văn phòng, khách sạn, thương mại”, rồi biến thành tòa nhà văn phòng Hud Tower. Hệ số sử dụng đất tăng từ 3,1 lần thành 10,9 lần, tầng cao tối đa từ 16 tầng thành 32 tầng.

Tòa Golden West do Cty Vietradico là chủ đầu tư 3 lần “bị” điều chỉnh sai quy định, từ 6,5 tầng thành 25 tầng, mật độ từ 38% thành 47%, số căn hộ từ 352 căn thành 740 căn.

Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định: “Việc điều chỉnh sai quy định dẫn đến tình trạng tăng dân số, chỉ tiêu quy hoạch không đảm bảo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam đối với từng dự án, từng ô quy hoạch, từng khu quy hoạch và đô thị, thiếu đất giáo dục, trường học, thiếu diện tích cây xanh, các công trình phục vụ không đảm bảo bán kính phục vụ”.

Cơ quan thanh tra cũng chỉ ra trách nhiệm của các cơ quan của Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đơn vị thanh tra mới chỉ nêu trách nhiệm chung chung và cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan để xảy ra vi phạm, yếu kém trong công tác quy hoạch, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu các thời kỳ?

Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và Kiến trúc và bốn quận ở Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng cho rằng Kết luận Thanh tra của Bộ Xây dựng về trục đường Lê Văn Lương “chưa đầy đủ”, “chưa chính xác”.

Theo Ngọc Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *