“Ngày xưa các DN tìm một khoản vay rất vất vả, giờ chỉ cần một chiếc điện thoại, dưới 3 phút là có thể giải ngân”

“Ngày xưa các DN tìm một khoản vay rất vất vả, giờ chỉ cần một chiếc điện thoại, dưới 3 phút là có thể giải ngân”

“Ngày xưa các doanh nghiệp tìm kiếm một khoản vay, có thể họ rất vất vả và chi phí rất lớn, nhưng ngày nay với sự hỗ trợ của công nghệ thì thông qua một chiếc điện thoại thôi hay lên trang web của họ, họ có thể đăng ký khoản vay rất nhanh, thậm chí dưới 3 phút là có thể giải ngân khoản vay rồi” – Giám đốc Trung tâm phát triển Ngân hàng số BIDV cho biết

Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến vấn để chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giao cho Bộ Thông tin &Truyền thông xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia và trình Đề án cho Thủ tướng ngay trong năm 2019.

Trao đổi với BTV Mùi Khánh Ly về vai trò của chuyển đổi số với lĩnh vực tài chính trong talkshow Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8 mới đây, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển Ngân hàng số BIDV đánh giá, đại dịch Covid-19 đã trở thành một cú hích quan trọng, thậm chí tạo ra xung lực rất mạnh để cho tất cả các tổ chức thực thi chiến lược chuyển đổi số.

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức sau đại dịch như hiện nay, ông đánh giá như thế nào về vai trò của chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp?

Nếu tính toàn lĩnh vực ngân hàng thì riêng giao dịch trong năm 2022, qua thống kê chuyển mạch quốc gia, chúng tôi đã ghi nhận là số lượng giao dịch tài chính bằng 3 năm trước đó cộng lại.

Còn ở trong phạm vi của ngân hàng số BIDV, đã ghi nhận số lượng tăng trưởng mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như đối với các khách hàng bán lẻ, khách hàng cá nhân thì lượng giao dịch qua các kênh số tăng trưởng trong năm 2022 gấp đôi so với năm trước và bằng 5 năm trước cộng lại.

Đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì trong hai năm 2021, 2022, khi mà đại dịch xảy ra thì các giao dịch chuyển dịch trên không gian số rất mạnh mẽ. Chúng ta cũng đã thấy, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có những quyết sách phát triển mạnh mẽ về chuyển đổi số.

Riêng ngành ngân hàng đã ứng dụng công nghệ như thế nào để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh khó khăn như hiện nay?

Ông Nguyễn Chiến Thắng: Trong giai đoạn dịch Covid 19 ảnh hưởng đến nền kinh tế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể thì BIDV chúng tôi là một trong những ngân hàng bám rất sát các chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Đầu năm 2022, chúng tôi đã có những khoản tín dụng mạnh mẽ với lãi suất phù hợp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt là chúng tôi đi tìm kiếm các nguồn vốn từ bên ngoài để hỗ trợ thêm cho họ. Và quan trọng nhất là chúng tôi đã hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong công tác chuyển đổi số, chẳng hạn như kết nối API, hay là quản lý dòng tiền trên không gian mạng, hoặc đăng ký khoản vay online…

Chúng tôi đã chia các doanh nghiệp vừa và nhỏ thành mấy nhóm, nhóm những những doanh nghiệp chưa có nền tảng công nghệ tốt, nhóm thứ hai là nhóm các doanh nghiệp có nền tảng công nghệ vừa phải và nhóm doanh nghiệp thứ ba là nhóm biết tận dụng cho công nghệ tốt để có những giải pháp hỗ trợ cho họ chuyện quản trị, đặc biệt là giảm rất nhiều chi phí cho các doanh nghiệp.

Một ví dụ cụ thể về việc chuyển đổi số ngành ngân hàng đã giúp tối ưu hoạt động của doanh nghiệp?

Đơn cử, ngày xưa các doanh nghiệp tìm kiếm một khoản vay, có thể họ rất vất vả và chi phí rất lớn, nhưng ngày nay với sự hỗ trợ của công nghệ thì thông qua một chiếc điện thoại thôi hay lên trang web của họ, họ có thể đăng ký khoản vay rất nhanh, thậm chí dưới 3 phút là có thể giải ngân khoản vay rồi.

Từ năm 2017, Ban lãnh đạo đã tham quan rất nhiều mô hình trên thế giới và đã xây dựng một chiến lược phát triển của BIDV đến 2025 – 2030, trong đó có ba trụ cột chính là con người, khách hàng và công nghệ.

Chúng tôi đã chọn phương án có phần vất vả, tức là không chọn tìm những điểm chi tiết nào đó để chuyển đổi số mà quyết định chuyển đổi số toàn diện, tức từ phục vụ cho khách hàng, cho đến việc xây dựng hệ sinh thái số.

Đặc biệt là nhân lực số và văn hóa số, đây là hai yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định sự thành công của chúng tôi trong chuyển đổi số. Rất may trong hai năm vừa rồi, một số kết quả đạt được đã kiểm chứng cho con đường chúng tôi đang lựa chọn. Và chúng tôi hoàn toàn đồng hành với chiến lược của Chính phủ, đó là hướng tới khách hàng, người dân, doanh nghiệp, hướng tới chủ trương tài chính toàn diện.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít doanh nghiệp băn khoăn về các giải pháp chuyển đối số được cung cấp bởi các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam so với nước ngoài, ông nghĩ sao?

Chúng tôi bây giờ rất tôn vinh các sản phẩm Việt Nam. Nhìn từ góc độ ngành ngân hàng, tại các sự kiện lớn, không khó để thấy người ta đang nhìn Việt Nam như một điểm sáng về chuyển đổi số cho ngành tài chính ngân hàng.

Ở Mỹ hay Châu Âu thì hệ thống tài chính của họ đã đủ trưởng thành rồi và đã có một mức độ nào đó khiến họ ngại thay đổi. Trong khi các nước mới nổi như Việt Nam hay các nước khu vực Đông Á lại đang phát triển nhanh chóng, chuyển đổi số mạnh mẽ và quyết liệt.

Trong thời gian tới, chuyển đổi số trong ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán sẽ phát triển theo hướng nào? Cần làm gì để thúc đẩy tài chính toàn diện và bền vững khi kinh tế còn nhiều thách thức như hiện nay?

Thực tế, chúng ta đã có đà chuyển đối số rất tốt. Đặc biệt trong ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán thì tôi nghĩ tầm 2 năm, 3 năm, 5 năm nữa, chiến lược chuyển đổi số trong hệ thống tài chính sẽ gặt hái những kết quả rất tích cực.

Chuyển đổi số tóm gọn lại là một quá trình chứ không phải là một dự án có điểm đầu và điểm kết thúc, mà chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tăng trưởng, giúp họ giảm chi phí, giúp họ xây dựng được các cơ hội kinh doanh khác. Đó mới là giá trị cốt lõi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *