Chứng khoán với kỳ vọng mới

Phải ngay lập tức nâng cao chất lượng quản lý thị trường chứng khoán, chống hành vi nội gián, thao túng gắn với phát triển công nghệ để thích hợp với quy mô phát triển của thị trường.

Tại tọa đàm về chứng khoán do báo Người lao động mới tổ chức, các chuyên gia đưa ra các nhận định thị trường, giải pháp để chứng khoán thực sự phát triển lành mạnh, bền vững…

Quanh 1.200 điểm sẽ có cơ hội để phục hồi với lực mua trung dài hạn

TSĐinh Thế HiểnChuyên gia kinh tế

Nhà đầu tư cá nhân số đông vào thị trường đều là bán chuyên nghiệp. Vì họ có ngành nghề khác, chỉ có số ít tập trung chuyên đầu tư chứng khoán.

Dù vậy, trên thị trường chứng khoán, không chỉ nhà đầu tư cá nhân mà theo tôi biết, cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp hay một quỹ đầu tư mở với định chế lớn cũng có sự thua lỗ đáng kể trong những tháng đầu năm 2022. Thậm chí, họ còn thua lỗ trước khi có đợt sụt giảm mạnh vừa rồi. Điều này phản ánh cả những quỹ đầu tư lớn cũng thua lỗ chứ không riêng gì nhà đầu tư cá nhân.

Từ cuối tháng 3, tôi có đủ thông tin để nhận định rằng thị trường có thể giao dịch quanh 1.200 điểm sẽ có cơ hội để phục hồi với lực mua trung dài hạn xuất hiện và tăng trưởng trở lại.

PE tháng 4 là 12, bình thường bình quân thị trường 14,5 lần đã xuất hiện lực NĐTNN mua mạnh, nhưng hiện PE 12 nhưng lực mua không mạnh, đó là vấn đề, PE thực sự đã đúng chưa? Vì sao thị trường xuống?

Năm 2019, kinh tế đang chuẩn bị đi lên, lần đầu tiên có có 19 triệu du khách, vượt lên thứ 2 Đông Nam Á, kinh tế du lịch tốt, xuất khẩu thực dương. Nhưng 2020 xuống là đúng vì quý 1 giãn cách, GDP xuống, các ngân hàng tiếp tục cho giãn nợ, như vậy nền tảng sản xuất không tốt mà chứng khoán tăng dựng đứng.

Tôi cho rằng, có một thực tế là trong giai đoạn 2020-2021, khi thị trường tăng trưởng nóng và ai cũng có lời thì không ai thắc mắc. CTCK lớn đều khuyên mua và mua.

Chủ tịch Quốc hội nói định chế có đủ, quản lý giám sát có đủ, tất cả có đủ chỉ có con người làm sai, ở đây không chỉ là cá nhân mà là tổ chức. Một thị trường không hoàn hảo thì sẽ lên rất mạnh và xuống rất mạnh. Tất cả đang trải qua lỗ là đúng với “book” lời ảo năm 2021.

Vấn đề lớn nhất của thị trường nằm ở thông tin

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế

Quy mô thị trường chứng khoán đang xấp xỉ 100% GDP, trong số gần 1.000 mã cổ phiếu đang niêm yết, phần lớn là những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Với quy mô xấp xỉ 5 triệu tài khoản có thể khẳng định quy mô thị trường từ phía cung hàng hoá và phía cầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước, giá trị thị trường chứng khoán đã tương xứng trình độ phát triển cũng như quy mô nền kinh tế.

Tôi rất đồng ý với những ý kiến tại sao năm 2020 -2021 nền kinh tế tăng trưởng rất thấp thì mà thị trường chứng khoán lại tăng nóng, rõ ràng là có sự bất thường. Những tháng đầu 2022, thị trường mất khoảng hơn 1/4 số điểm tích lũy trong 2021. Những biến động, phản ứng của nhà đầu tư với thị trường chứng khoán, tôi đánh giá là chưa phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Quy mô thị trường đã tăng trưởng vượt trội, trong khi hệ thống quản lý cả về thể chế chính sách, tổ chức bộ máy, con người, công nghệ… đều có những yếu tố không theo kịp. Chúng ta đang áp dụng cách thức quản lý, điều hành thị theo quy mô bằng 1/2, 1/3 so với thị trường trong khi theo nguyên tắc lượng đổi thì chất đổi, nay đã đến lúc thay đổi chất về mặt quản lý đối với thị trường.

Đối với người tham gia thị trường, hiện về tiềm lực tài chính, trình độ, khả năng cũng như khả năng thao túng thị trường của một bộ phận nhà đầu tư chuyên nghiệp/bán chuyên nghiệp, tổ chức/cá nhân là khá lớn. Do đó, đã đến lúc cần có quy định rõ ràng hơn về những hành vi thao túng thị trường để có những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.

Vấn đề lớn nhất của thị trường và lành mạnh hoá thị trường nằm ở thông tin, đặc biệt là thông tin mang tính chất nội gián, làm giá, thổi giá… Tất cả những thông tin đó có điểm mạnh nhưng nếu không kiểm soát được sẽ thành điểm xấu, không chỉ làm thị trường chao đảo mà còn gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Vì vậy, phải kiểm soát, minh bạch hoá thị trường.

Nhìn chung, phải ngay lập tức nâng cao chất lượng quản lý thị trường chứng khoán, chống hành vi nội gián, thao túng gắn với phát triển công nghệ để thích hợp với quy mô phát triển của thị trường. Đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý, công ty chứng khoán và nhà đầu tư. Nếu xử lý tốt vấn đề này thì thị trường sẽ phát triển tốt, trở thành kênh thu dẫn vốn phù hợp với sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Tránh bị các đội lái lôi kéo vào quá trình làm giá

PGS.TS Đinh Trọng ThịnhChuyên gia kinh tế

Sự sụt giảm thị trường trong thời gian vừa qua có nhiều nguyên nhân tác động từ xu hướng chung từ thị trường thế giới, tình trạng tăng giá nguyên nhiên vật liệu, thực phẩm, Fed và nhiều quốc gia trên thế giới đã có động thái nâng lãi suất từ tháng 10/2021.

Ở Việt Nam, thị trường chứng khoán tăng trưởng nóng trong 2021, với những đặc tính riêng như nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ lớn, thường đi theo tiếng gọi đám đông, khả năng phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp hay yêu cầu phòng ngừa rủi ro không có, kiến thức về thị trường mỏng nên đã dẫn tới việc rút vốn ồ ạt thời gian gần đây. Điều này cho thấy hơn 2 triệu tài khoản đầu tư mới có nhận thức về thị trường tương đối thấp, nên cần thiết nâng cao trình độ kiến thức để tránh bị các đội lái lôi kéo vào quá trình làm giá của họ.

Trên thị trường tài chính quốc tế, những bình luận về giá cổ phiếu, trao đổi giữa các nhà nghiên cứu với nhà tư vấn không chính thống nhưng lại tương đối công khai đều bị coi là thao túng. Ngay tại Việt Nam, những hành vi này cũng nên được đưa vào diện thao túng.

Với các doanh nghiệp niêm yết, việc phát hành trái phiếu tương đối bài bản, còn với các doanh nghiệp chưa niêm yết việc phát hành trái phiếu lại có vấn đề lớn. Thị trường trái phiếu chưa niêm yết bùng nổ trong năm 2020-2021 nhưng không đi đôi với nhận thức, hiểu biết về trái phiếu, đồng thời thiếu quy định pháp luật nên dẫn đến phát hành các loại trái phiếu “3 không”, chỉ bán trên Zalo, Facebook, mạng xã hội nhưng vẫn thu hút được lượng tiền lớn. Thậm chí có doanh nghiệp phát hành trái phiếu gấp 40 lần vốn chủ sở hữu. Vì thế, việc chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu rất quan trọng nhằm nâng cao niềm tin của doanh nghiệp và các nhà đầu tư vào thị trường này. Thêm nữa, nó cũng là động lực giúp thị trường chứng khoán phát triển bền vững và trở thành kênh cung cấp vốn cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Thị trường cổ phiếu, trái phiếu Việt Nam phát triển mạnh nhưng so với một số nước trong khu vực như Thái Lan thì còn nhỏ bé, tiềm năng phát triển còn rất lớn nếu như có sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước và các nhà đầu tư hiểu biết, đưa thị trường thành kênh dẫn vốn hiệu quả.

Theo Nhịp sống Kinh tế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *