TS. Nguyễn Bích Lâm: Tổng cầu trong nước suy yếu mạnh, muốn kích cầu phải làm cho người dân đẩy mạnh chi tiêu

Tổng cầu trong nước suy yếu rất mạnh trong khi tổng cầu tiêu dùng cuối cùng này chiếm đến hơn 70% là chi tiêu của hộ gia đình. Do đó, sắp tới muốn kích cầu trong nước phải kích cầu làm sao cho người dân đẩy mạnh chi tiêu…

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê phát biểu tại Toạ đàm sáng ngày 11/7/2023. Ảnh: Việt Dũng.
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê phát biểu tại Toạ đàm sáng ngày 11/7/2023. Ảnh: Việt Dũng.

Nền kinh tế Việt Nam ghi nhận sự suy giảm tổng cầu khi GDP 6 tháng đầu năm ước tăng 3,72%, chỉ cao hơn mức tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020. Hầu hết các yếu tố cấu thành tổng cầu đều ghi nhận mức tăng trưởng chậm như đầu tư, tiêu dùng hoặc xuất khẩu giảm mạnh. Phục hồi, thúc đẩy tổng cầu bằng cách nào đang là vấn đề được các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp quan tâm. 

Tại Tọa đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề: “Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”, do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức, sáng 11/7, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhán mạnh tổng cầu của nền kinh tế là bộ phận tiêu dùng cuối cùng của nhà nước và dân cư gồm có đầu tư và xuất khẩu.

Tiêu dùng cuối cùng của nhà nước và dân cư được phản ánh qua hai chỉ tiêu, nhưng TS. Nguyễn Bích Lâm thiên về chỉ tiêu tiêu dùng cuối cùng được tính toán qua phương pháp sử dụng GDP.

Tiêu dùng cuối cùng này phản ánh thực tế người dân và Chính phủ chi tiêu bao nhiêu và đóng góp vào GDP bao nhiêu?

“Trong khi đó bức tranh tổng mức bán lẻ cũng phản ánh nhưng bức tranh tiêu dùng cuối cùng và tổng mức bán lẻ chênh lệch khá xa, và tôi khá băn khoăn về chuyện này. Chính vì vậy tôi mới đặt ra câu hỏi chúng ta cần đánh giá đúng thực trạng của GDP Việt Nam là như thế”, ông Lâm nói.

Về tiêu dùng cuối cùng, con số tiêu dùng cuối cùng của 6 tháng năm 2023, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng 2,63% mức tăng thấp hơn so với 2021, tiêu dùng cuối cùng của 6 tháng năm 2021 là 3,56% năm 2022 là 6,06%. Những con số này cho thấy tổng cầu trong nước suy yếu rất mạnh và đây là gợi ý cho chúng ta có chính sách kích thích. Trong tổng cầu tiêu dùng cuối cùng này chiếm đến hơn 70% là chi tiêu của hộ gia đình hay nói cách khác là gia đình chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Do đó, sắp tới muốn kích cầu trong nước phải kích cầu làm sao cho người dân đẩy mạnh chi tiêu.

“Tổng mức bán lẻ tăng khá tốt nhưng tôi hơi hoang mang. Số thống kê tổng mức bán lẻ là tăng 10,9%, nếu loại trừ yếu tố giá còn 8,4%, trong khi con số thống kê tiêu dùng cuối cùng chỉ 2,63% nên sắp tới cần đánh giá đúng thực trạng về bức tranh tổng cầu trong nước”, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, nhiều số liệu đã cho thấy sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 12,25 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm.

Tọa đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 thu hút sự quan tâm của nhiều bộ ngành, các tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu trong các Viện, Trường và các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại cùng các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI. Ảnh: Việt Dũng.
Tọa đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 thu hút sự quan tâm của nhiều bộ ngành, các tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu trong các Viện, Trường và các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại cùng các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI. Ảnh: Việt Dũng.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, tín dụng nền kinh tế chỉ tăng 3,13%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,51%. Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cho giai đoạn 2 năm 2022-2023, mặc dù đã qua 1 năm rưỡi, nhưng số tiền đã giải ngân còn rất thấp, chưa tạo được sự hỗ trợ kịp thời cho các khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải….

“Mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 trở nên rất khó khăn trong bối cảnh những tác động từ thế giới còn khó lường trong khi khu vực sản xuất trong nước còn chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới”, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu nhấn mạnh.

Bàn sâu hơn về giải pháp kích cầu tại Tọa đàm, Trưởng Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân Phạm Thế Anh đưa ra ba giải pháp chính.

Thứ nhất, khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua tiếp tục hạ lãi suất cho vay nhằm giảm chi phí vốn; tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán; kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản.

Sử dụng tín dụng thuế đầu tư (Investment Tax Credit) ngắn hạn tuy nhiên lưu ý cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh 10%, tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập.

Thứ hai, tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công: Tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải; phát triển NOXH đáp ứng nhu cầu thực; Bổ sung/xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội.

Thứ ba, kích thích tiêu dùng thông qua: Trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc; Nâng mức thu nhập chịu thuế; Giảm VAT hàng thiết yếu.

“Ưu điểm của kích thích tiêu dùng này là đạt hai mục tiêu an sinh xã hội và kích cầu. Hiệu quả do xu hướng tiêu dùng biên cao; vừa là chính sách tạm thời vừa lâu dài, ít tác động phụ”, ông Phạm Thế Anh khẳng định.

Theo An Phong 

Vneconomy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *