Vận tải quốc tế là gì? Vận tải quốc tế áp dụng thuế suất nào?

Vận tải quốc tế là gì? Tác dụng của vận tải quốc tế đối với thương mại quốc tế? Một số hình thức vận tải quốc tế phổ biến ngày nay? Vận tải quốc tế áp dụng thuế suất như nào? Hướng dẫn giá tính thuế với vận tải quốc tế?

Vận tải quốc tế

Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng, việc buôn bán không chỉ còn gói gọn trong phạm vi một quốc gia mà mở rộng ra toàn thế giới. Việc mua – bán hàng hóa với các nước khác đã trở nên phổ biến hơn và gần gũi hơn với mọi người. Vận tải quốc tế là một trong những quá trình khá quan trọng, đặc biệt là những tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu buôn bán hay trao đổi trực tiếp với thị trường nước ngoài. Đây chính là một trong những nhân tố quyết định cho việc hình thành sự phát triển của dịch vụ vận tải quốc tế ngày nay.

Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568

1. Vận tải quốc tế là gì?

Vận tải quốc tế là hình thức chuyên chở hàng hóa giữa hai hay nhiều nước, tức là điểm đầu và điểm cuối của quá trình vận tải nằm ở hai nước khác nhau.

Việc vận chuyển hàng hóa trong vận tải quốc tế đã vượt ra khỏi phạm vi một nước, vị trí của hàng hóa được thay đổi từ nước người bán sang nước người mua.

Vận tải quốc tế trong tiếng Anh là “International Transport”.

2.Tác dụng của vận tải quốc tế đối với thương mại quốc tế:

Thứ nhất, Vận tải quốc tế thúc đẩy phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa

Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến khối lượng hàng hóa lưu chuyển giữa các nước là khả năng vận tải giữa các nước đó. Khối lượng hàng hóa lưu chuyển giữa hai nước tỉ lệ nghịch với khoảng cách vận tải. Khoảng cách vận tải ở đây được hiểu là khoảng cách kinh tế, tức là lực lượng lao động nhất định phải bỏ ra để thực hiện quá trình chuyên chở giữa hai điểm vận tải và đối với người gửi hàng đó chính là cước phí.

Cước phí chuyển chở càng rẻ thì dung lượng hàng hóa trao đổi trên thị trường càng lớn, bởi vì cước phí vận tải chiếm một tỉ trọng lớn trong giá cả hàng hóa. Khi khoa học kĩ thuật ngày càng tiến bộ, năng suất lao động tăng, giá thành sản phẩm hạ, cước phí vận tải giảm xuống, đó là yếu tố quan trọng góp phần tăng nhanh khối lượng hàng hóa lưu chuyển trong thương mại quốc tế.

Thứ hai, Vận tải quốc tế phát triển làm thay đổi cơ cấu hàng hóa và cơ cấu thị trường trong thương mại quốc tế

Trước đây thương mại quốc tế chỉ tập trung ở những mặt hàng thành phẩm và bán thành phẩm. Cho đến khi các công cụ vận tải hiện đại ra đời có cấu tạo thuận tiện cho việc chuyên chở và cho phép hạ giá thành vận tải đã tạo điều kiện mở rộng chủng loại mặt hàng.

Sự thay đổi cơ cấu hàng hóa thể hiện rõ nét nhất là việc mở rộng buôn bán mặt hàng lỏng. Khi mà vận tải chưa phát triển, giá cước vận tải cao thì thị trường tiêu thụ thường ở gần nơi sản xuất. Cho đến khi vận tải phát triển đã tạo điều kiện mở rộng thị trường buôn bán.

Thứ ba, Vận tải quốc tế có tác dụng bảo vệ hoặc làm xấu đi cán cân thanh toán quốc tế

Việc phát triển của vận tải đặc biệt là lực lượng tàu buôn dân tộc có tác dụng tăng nguồn thu ngoại tệ thông qua việc xuất khẩu sản phẩm vận tải hay tiết kiệm chi ngoại tệ thông qua việc chống nhập khẩu sản phẩm vận tải.

Ngược lại, nếu vận tải quốc tế không đáp ứng được nhu cầu chuyên chở hàng hóa trong thương mại quốc tế thì bắt buộc một quốc gia phải chi ra một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu sản phẩm vận tải, tức là thuê tàu nước ngoài để chuyên chở hay mua hàng hóa theo điều kiện CIF và bán theo FOB.

3. Một số hình thức vận tải quốc tế phổ biến ngày nay:

Hiện nay, có rất nhiều phương thức lựa chọn dịch vụ vận tải quốc tế, tùy thuộc vào từng kích thước, loại mặt hàng hóa cũng như về số lượng của từng lô hàng hóa mà doanh nghiệp lựa chọn với những hình thức vận chuyển sao cho phù hợp nhất.

+ Vận tải bằng đường hàng không: Vận tải quốc tế bằng đường hàng không luôn được đảm bảo với tốc độ vận chuyển của bạn được giao hàng trong thời gian nhanh nhất, nhưng lại bị hạn chế về chủng loại của hàng hóa, không phải bất cứ lô hàng hóa nào bạn cũng có thể vận chuyển với hình thức này.

+ Vận tải bằng đường biển: vận tải quốc tế bằng đường biển có một ưu thế vượt trội chính là dịch vụ này thích hợp với tất cả các chủng loại hàng hóa, cho dù ở bất cứ nơi đâu hay ở bất cứ vùng miền nào trên thế giới. Không những thế, đây còn là một trong những dịch vụ có tuyến đường đi thẳng, tất cả những tuyến đường đều có sự liên kết chặt chẽ với các cảng lớn nhỏ trên thế giới, hay đúng hơn là tất cả những nơi mà nó từng đặt chân tới.

Thực tế không chỉ có vậy mà nó không có ưu điểm, chi phí vận chuyển hàng hóa sẽ rẻ hơn nhiều so với những hình thức khác, qua đó sẽ giúp thúc đẩy hiệu quả phân phối cũng như tính chất vận tải nâng cao tầm vóc mới.

4. Vận tải quốc tế áp dụng thuế suất như nào?

Mức thuế suất cho quá trình vận chuyển hàng hóa có thể là 0% hay thâm chí là 10% tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể.

Theo quy định của chính sách thuế GTGT hiện hành thì vận tải hành khách, hành lý, hàng hóa theo chặng quốc tế từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài đến Việt Nam, hoặc cả điểm đi và đến ở nước ngoài, không phân biệt có phương tiện trực tiếp vận tải hay không có phương tiện được xác định là vận tải quốc tế áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định.

Một trong những phương thức vận tải thích hợp với các loại hàng có trọng lượng lớn, khối lượng vận chuyển nhiều và cự li vận chuyển dài với chi phí, giá cả ổn định, lịch trình giao nhận hàng tương đối chính xác được nhiều doanh nghiệp lựa chọn chính là phương thức vận tải bằng đường sắt. Đối với hoạt động vận chuyển hàng liên vận quốc tế bằng đường sắt từ Việt Nam ra nước ngoài, nếu hợp đồng vận tải quốc tế được ký kết giữa doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển và đơn vị vận chuyển bao gồm cả chặng vận tải nội địa thì vận tải quốc tế bao gồm cả chặng nội địa được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% theo quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa nắm rõ quy định này dẫn đến việc áp dụng mức thuế suất thuế GTGT đối với chặng nội địa không đúng quy định, doanh nghiệp đã áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong khi hoạt động vận tải quốc tế mà doanh nghiệp cung cấp đáp ứng đầy đủ điều kiện áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%.

Đối với hoạt động vận tải quốc tế, để được áp dụng thuế suất 0% phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Có hợp đồng vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển theo chặng quốc tế từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài đến Việt Nam hoặc cả điểm đi và điểm đến ở nước ngoài theo các hình thức phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với vận chuyển hành khách, hợp đồng vận chuyển là vé. Cơ sở kinh doanh vận tải quốc tế thực hiện theo các quy định của pháp luật về vận tải.

– Có chứng từ thanh toán qua ngân hàng hoặc các hình thức thanh toán khác được coi là thanh toán qua ngân hàng. Đối với trường hợp vận chuyển hành khách là cá nhân, có chứng từ thanh toán trực tiếp.

Trường hợp doanh nghiệp xác định sai mức thuế suất thuế GTGT của hoạt động này dẫn đến ghi sai mức thuế suất trên hóa đơn là 10%, các bên chưa tự điều chỉnh, cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện thì doanh nghiệp thuê vận chuyển khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT. Trường hợp xác định được doanh nghiệp vận chuyển đã kê khai, nộp thuế theo đúng thuế suất ghi trên hóa đơn thì được khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất ghi trên hóa đơn nhưng phải có xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý bên vận chuyển.

Trường hợp các hóa đơn ghi sai mức thuế suất thuế GTGT, các bên tự phát hiện và cơ quan thuế chưa tiến hành thanh tra, kiểm tra thì đối với hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thoả thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giám) số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng…, tiền thuế giá trị gia tăng cho hóa đơn số…, ký hiệu… Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp cần nghiên cứu các quy định của pháp luật về thuế để kê khai, xác định đúng nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp.

5. Hướng dẫn giá tính thuế với vận tải quốc tế:

Theo quy định tại Điểm 1.13 và 1.14 của Mục I, Phần B, Thông tư số 129/2008/TT-BTC, được Bộ Tài Chính ban hành ngày 26/12/2008.

Theo đó, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể như sau:

– Đối với vận tải, bốc xếp là giá cước vận tải, bốc xếp chưa có thuế GTGT, không phân biệt đó là cơ sở trực tiếp vận tải, bốc xếp hay thuê lại.

– Với các dịch vụ du lịch theo hình thức lữ hành, hợp đồng ký với khách hàng theo giá trọn gói (ăn, ở, đi lại) thì giá trọn gói này được xác định là giá đã có thuế GTGT.

– Với các trường hợp giá trọn gói đã bao gồm cả các khoản chi vé máy bay vận chuyển khách du lịch từ nước ngoài vào Việt Nam hay từ Việt Nam đi nước ngoài cùng các chi phí ăn, nghỉ, thăm quan và một số khoản chi ở nước ngoài khác, nếu có đầy đủ chứng từ hợp pháp thì các khoản thu của khách hàng để chi cho các khoản trên sẽ được tính giảm trừ trong giá tính thuế GTGT.
– Với hóa đơn của những cơ sở kinh doanh được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhằm đầu tư xây dựng nhà để bán, cho thuê; để đầu tư cơ sở hạ tầng để bán, cho thu; hay để làm dịch vụ vận tải, dịch vụ du lịch lữ hành quốc tế thì tiến hành lập hóa đơn như sau:

+ Tại dòng giá bán sẽ ghi giá bán nhà, cơ sở hạ tầng; doanh thu về vận tải; doanh thu du lịch lữ hành trọn gói nhưng chưa có thuế GTGT.

+ Tại dòng giá tính thuế GTGT thì giá sẽ được xác định theo Điểm 1.8 của Mục I, phần B, Thông tư số 129/2008/TT-BTC…

+ Tại dòng thuế suất, tiền thuế GTGT, giá thanh toán ghi theo quy định.

Như vậy, bài biết trên đây đã giúp bạn giải đáp chứng từ, hóa đơn thu cước phí vận tải quốc tế là gì và những vấn đề liên quan đến vận tải quốc tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *