VN-Index đang ở thời điểm “dễ thở” nhất kể từ đỉnh lịch sử nhưng vẫn hơi “vội” để kỳ vọng sóng tăng dài hạn

Theo DSC, nhà đầu tư cần làm quen với những con sóng “lăn tăn” hơn là kỳ vọng bước vào đại sóng lớn trong bối cảnh vĩ mô chưa rõ ràng.

Tháng 5, tỷ lệ cổ phiếu vượt cản MA200 đạt 67,5% (cao nhất trong 13 tháng trở lại) trong khi tỷ lệ cổ phiếu vượt cản MA50 đã đạt tới mức 81,7%.

Trong báo cáo chiến lược tháng 6, Chứng khoán DSC đánh giá độ lan tỏa rộng trên thị trường là tích cực, tuy nhiên nhà đầu tư nên chú ý rủi ro giai đoạn này. Minh chứng là từ 2021 đến nay, mỗi khi tỷ lệ cổ phiếu vượt MA50 đạt ~80%, VN-Index đều có điều chỉnh hoặc phân hóa.

Khi thị trường đang ở mức định giá rẻ và nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành, DSC kỳ vọng nếu xuất hiện nhịp chỉnh, thị trường sẽ chỉnh nhẹ về 1.080-1.090 trước khi có những nhịp tăng tiếp theo.

VN-Index đang ở thời điểm "dễ thở" nhất kể từ đỉnh lịch sử nhưng vẫn hơi "vội" để kỳ vọng sóng tăng dài hạn - Ảnh 1.

Xu hướng tăng dài hạn đã mở ra?

Một trong những diễn biến được nhà đầu tư đánh giá cao trong thời gian vừa qua đó là việc chỉ số VN-Index đã vượt kháng cự quan trọng quanh 1.080 điểm đồng thời bứt lên khỏi đường MA200 với thanh khoản cải thiện. Điều này làm rất nhiều nhà đầu tư tin rằng thị trường đã xác nhận khởi động một sóng tăng mới.

Song, DSC cho rằng trong một số trường hợp đi ngang, đường MA200 cũng thường xuyên cho ra những tín hiệu nhiễu.

Một ví dụ điển hình là giai đoạn 2019. Sau cú sập vào năm 2018, thị trường hồi phục và vượt lên trên khỏi MA200 vào đầu 2019, tuy nhiên trong suốt cả năm sau, nhà đầu tư chưa thể chứng kiến một sóng tăng dài hạn, thay vào đó chỉ số dắt ngang và cũng không ít lần cắt xuống dưới vùng MA200.

Có thể thấy, yếu tố tích cực nhất trong ngắn hạn có lẽ là yếu tố tâm lý khi nhà đầu tư trong nước có xu hướng tự tin hơn. Tuy nhiên, DSC chỉ ra rằng những dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế là chưa có, thậm chí còn nhiều dấu hiệu suy yếu hơn. Điều này được thể hiện rất rõ qua số liệu PMI tháng 5. Hay các chính sách tiền tệ, tài khóa đã có những động thái hỗ trợ nền kinh tế nhưng chưa thể có hiệu quả ngay mà cần thời gian (ít nhất 4-6 tháng) để thẩm thấu.

Chúng ta cần khách quan là đà phục hồi của nền kinh tế có thể chậm hơn kỳ vọng. Do đó, thị trường có vẻ đang trả hơi nhiều cho những kỳ vọng của tương lai trung – dài hạn. Điều này chưa bao giờ là tốt, như xây một lâu đài trên cát”, báo cáo nêu rõ.

VN-Index đang ở thời điểm "dễ thở" nhất kể từ đỉnh lịch sử nhưng vẫn hơi "vội" để kỳ vọng sóng tăng dài hạn - Ảnh 2.

Không thể phủ nhận đã lâu lắm rồi thị trường mới có thể chứng kiến một tâm lý hưng phấn như hiện tại. Chính xác là từ đỉnh tháng 4/2022, chưa bao giờ thị trường dễ thở như bây giờ. Tuy nhiên khi nhìn vào bảng so sánh trên, có thể hơi vội nếu nhà đầu tư kỳ vọng vào một sóng tăng trong dài hạn”, nhóm phân tích đưa ra quan điểm.

Với những tồn đọng của thị trường trái phiếu, những khó khăn của thị trường BĐS và sự suy yếu của nền kinh tế thế giới – nền lãi suất cao, đà phục hồi của nền kinh tế trong nước khả năng xuất hiện vào năm 2024 và chưa thể kỳ vọng ngay trong quý 3, quý 4.

Chiến lược giao dịch “thực hiện hóa lợi nhuận từng phần”

Theo DSC, thị trường vẫn đang vận động trong biên giao dịch đi ngang (sideway), nhà đầu tư cần làm quen với những con sóng “lăn tăn” hơn là kỳ vọng bước vào đại sóng lớn trong bối cảnh vĩ mô chưa rõ ràng.

Trong tháng 6, DSC khuyến nghị chiến lược giao dịch “thực hiện hóa lợi nhuận từng phần” hay “trading giảm nhẹ tỷ trọng”. Về kịch bản thị trường, đội ngũ phân tích đưa ra 2 kịch bản chính:

Kịch bản 1: Thị trường tích lũy, đà tăng tiếp tục

Ở kịch bản này, DSC cho rằng chỉ số tiến đến vùng đỉnh năm 2023 (1.120 điểm) và hình thành biên tích lũy cho xu hướng tăng tiếp diễn lên phía sau, hướng lên 1.150 -1.200 điểm. Trong ngắn hạn, đa phần nhóm chỉ số ngành đều trong tình trạng “quá mua”, dẫn đến biên tích lũy có thể gặp áp lực điều chỉnh; điều tiết vùng cân bằng neo trên “gap up” 1.090 điểm, hình thành “bộ đệm” cho đà tăng tiếp diễn.

Kịch bản 2: Đà tăng sớm kết thúc

Thực chất, diễn biến tạo “gap up” hưng phấn đầu tháng 6 đã từng xuất hiện trong tháng 4. Song về nửa sau, áp lực bán áp đảo. Trong trường hợp này, VN-Index có thể điều chỉnh về vùng 1.050 điểm khi vị thế mở xu hướng (1.080 điểm) bị vi phạm. Tuy nhiên, DSC đánh giá xác suất này thấp hơn bởi VN-Index đã hình thành chuỗi phiên hấp thụ áp lực cung ngắn và trung hạn trước khi vào pha “nước rút”. Hiện tại, vị thế mua lên chủ động đang chiếm ưu thế.

Góc nhìn CTCK: Xu hướng ngắn hạn vẫn tích cực, chú ý kháng cự quanh 1.120-1.125 điểm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *