Chủ tịch VDSC: “Quan điểm tôi rất rõ, làm công ty chứng khoán không đầu tư cổ phiếu thì chẳng biết tư vấn gì cho khách hàng?”

Chủ tịch VDSC: "Quan điểm tôi rất rõ, làm công ty chứng khoán không đầu tư cổ phiếu thì chẳng biết tư vấn gì cho khách hàng?"

VDSC cho biết doanh thu Công ty quý đầu năm đạt 150 tỷ đồng, lãi trước thuế 77,5 tỷ – tương đương 28,5% kế hoạch đề ra. Kết quả này theo VDSC là tích cực trong bối cảnh khó khăn hiện nay, giúp Công ty bước đầu có lãi trở lại và đặc biệt đã xử lý hết lỗ luỹ kế.

 

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã chứng khoán: VDS) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 hơn 270 tỷ đồng.

Năm 2022, thanh khoản thị trường chứng khoán sụt giảm, cùng với những diễn biến không thuận lợi của thị trường chứng khoán Việt Nam đã ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh VDS.

Cụ thể, tổng doanh thu hoạt động đạt 860,9 tỷ đồng, giảm 18,3% so với năm 2021. Khấu trừ chi phí, Công ty lỗ thuế hợp nhất 115 tỷ đồng. Nguyên nhân do chi phí trong kỳ ghi nhận tăng đột biến chủ yếu do trích lập dự phòng đánh giá giảm danh mục tự doanh cuối kỳ.

Nếu không tính các chi phí trích lập dự phòng cho hoạt động tự doanh, kết quả hoạt động kinh doanh của Rồng Việt năm 2022 ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất 95,5 tỷ đồng.

Tại đại hội, Chủ tịch VDSC gửi lời xin lỗi đến cổ đông về kết quả không được tích cực trong năm qua.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VDS đạt 4.254 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 4.033 tỷ đồng đầu năm. Trong năm 2022, Công ty đã thực hiện tăng vốn điều lệ thành công, ghi nhận nguồn vốn chủ sở hữu cuối năm 2022 đạt 2.082,9 tỷ đồng, tăng 26,5% so với mức 1.645,9 tỷ đồng đầu năm.

Sang năm 2023, với nhận định VN-Index sẽ dao động trong khoảng 930 – 1.270 điểmm thanh khoản bình quân toàn thị trường từ 13.000 – 15.000 tỷ đồng/phiên, HĐQT VDSC trình Đại hội kế hoạch năm 2023 với chỉ tiêu doanh thu 890 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 270,8 tỷ đồng. Với kết quả này, Công ty lên phương án dành 105 tỷ đồng lợi nhuận để trả cổ tức năm 2023, tương ứng với tỷ lệ 5%/ mệnh giá.

Quý 1/2023 có lãi trở lại 77,5 tỷ đồng, đã xoá hết được lỗ luỹ kế

Báo cáo về tình hình quý 1/2023, VDS cho biết tình hình chung so với cùng kỳ rất khó khăn, dòng tiền còn yếu… Tuy nhiên, hiện có nhiều tín hiệu tích cực như Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, mặt bằng lãi cho vay giảm nhẹ so với quý 4/2022, dẫn đến chỉ số VN-Index có hồi phục được hơn 5%.

“Doanh thu Công ty quý đầu năm đạt 150 tỷ đồng, lãi trước thuế 77,5 tỷ – tương đương 28,5% kế hoạch đề ra. Kết quả này theo VDSC là tích cực trong bối cảnh khó khăn hiện nay, giúp Công ty bước đầu có lãi trở lại và đặc biệt đã xử lý hết lỗ luỹ kế. Công ty cũng mong 6 tháng sẽ tốt hơn, để cổ phiếu VDS được cấp margin trở lại. Xin báo cáo với cổ đông, chúng tôi cũng rất xấu hổ vì cổ phiếu hiện dưới mệnh giá”, Chủ tịch là ông Nguyễn Miên Tuấn nói.

Chiến lược cụ thể trong năm 2023, bao gồm:

(i) Với hoạt động kinh doanh môi giới và cho vay margin: VDSC cho biết sẽ ưu tiên đào tạo, phát triển đội ngũ nhân sự, tăng cường công tác chăm sóc khách hàng, chia sẻ thông tin, kết hợp với các sản phẩm dịch vụ, công nghệ mới để tư vấn hiệu quả, phù hợp với khẩu vị rủi ro của từng đối tượng nhà đầu tư.

(ii) Với mảng đầu tư tự doanh: kỳ vọng có kết quả khả quan hơn trong năm 2023. Theo đó, VDSC vẫn lấy quan điểm đầu tư là lựa chọn cổ phiếu an toàn, và có triển vọng tăng trưởng để đón đầu cơ hội phục hồi trong năm 2023.

(iii) Với hoạt động ngân hàng đầu tư: trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, Công ty tập trung thúc đẩy tiến độ các dự án tư vấn M&A – lĩnh vực được xác định sẽ đóng vai trò tạo doanh thu chủ lực cho hoạt động ngân hàng đầu tư trong năm 2023.

Năm 2023, Công ty cũng đề kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 2.100 tỷ đồng, đưa vào hoạt động 3 chi nhánh Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương; tăng vốn Công ty Quản lý quỹ Rồng Việt lên 60 tỷ đồng và được cấp phép thành lập Quỹ đầu tư Rồng Việt với quy mô vốn 50 tỷ đồng.

Đại hội bước vào phần thảo luận:

1. VDSC có sẵn sàng mở cửa để đón chào thêm cổ đông chiến lược tham gia vào Công ty?

Chủ tịch Nguyễn Miên Tuấn: Công ty cũng mong nhưng chưa có duyên. Hiện, thị trường đang khó khăn, lãi suất toàn cầu đang cao, Công ty vẫn bỏ ngỏ khả năng này và sẵn sàng chào đón đối tác có tiềm lực tài chính, đồng hành cùng phát triển của Công ty.

Hiện, Công ty vẫn liên tục trao đổi nhiều đối tác, hi vọng khi thị trường hồi phục sẽ tìm kiếm được đối tượng phù hợp.

2. Vì sao đầu tư nhiều vào cổ phiếu Dabaco (DBC)?

Đánh giá DBC thì chúng tôi cho rằng doanh nghiệp có nền tảng khá tốt, bao gồm:

Thứ nhất: Chuỗi giá trị chăn nuôi, DBC theo VDS là 1 trong những doanh nghiệp niêm yết tham gia vào quá trình này lâu và chuỗi giá trị hiện đã khá hoàn thiện: từ con giống (heo, gà) đến việc có nhà máy chế biến thức ăn gia súc gia cầm, và họ cũng có đầu ra cho các sản phẩm giá trị như xúc xích.

Thứ hai, tài sản tích luỹ của DBC đến nay khá tốt, tình hình tài chính ổn định (đặc biệt 2020-2021 tăng trưởng tốt). Đặc biệt, ở Bắc Ninh, DBC có tích luỹ được tài sản là bất động sản khá giá trị.

Về khoản đầu tư này, năm 2021 VDSC lãi khá tốt. Sang năm 2022, lý giải tại sao khoản đầu tư vào DBC giảm thì do giá heo giảm, năm qua có nhiều công ty cùng tham gia vào lĩnh vực này (như HAGL, BaF), và nhu cầu về thịt nói chung giảm sút, dẫn đến cổ phiếu DBC bị ảnh hưởng.

Dù vậy, VDSC xác định, đâu đó vùng giá hiện tại của DBC là còn khá thấp. Nên Công ty vẫn giữ dài hạn, chưa có kế hoạch tái cấu trúc lai khoản đầu tư này.

3. Chia sẻ cụ thể về đầu tư vào trái phiếu niêm yết? Có phải VDSC “kẹt” 200 tỷ đồng trái phiếu Hưng Thịnh, có hay không?

Trái phiếu doanh nghiệp là chủ đề lớn trong năm 2022. Trước đây với điều kiện phát hành khá thông thoáng, trái phiếu là kênh bổ sung tốt nguồn vốn hoạt động trung và dài hạn khá tốt cho doanh nghiệp, nhất là nhóm bất động sản. Cộng thêm lãi suất thấp, giai đoạn 2018-2021 thị trường TPDN phát triển mạnh, tổng giá trị phát hành khoảng 1,4 triệu tỷ đồng.

Nhưng từ sau sự kiện Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… thị trường TPDN rơi vào khó khăn.

Riêng VDSC có thực hiện tư vấn, đại diện sở hữu trái chủ, thu xếp vốn trái phiếu ở một số doanh nghiệp. Nhưng tôi khẳng định các hợp đồng tư vấn, đại diện sở hữu trái phiếu cũng như các nghiệp vụ khác đều được công ty thực hiện nghiêm túc, tuân thủ đầy đủ các quy định.

Về rủi ro tài chính, cuối 2022, VDSC có khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp 3 đơn vị là: TPDN niêm yết Masan giá trị 8 tỷ đồng (hiện đánh giá không rủi ro gì), khoản đầu tư TPDN là Hưng Thịnh Incon (số cuối năm khoảng 65 tỷ đồng) và khoản thứ 3 là 170 tỷ đồng trái phiếu Hưng Thịnh Quy Nhơn. Công ty cũng có khoản đầu tư 230 tỷ đồng vào trái phiếu ngân hàng Vietcombank (VCB, nhận định là không rủi ro).

Riêng 2 khoản trái phiếu của công ty liên quan Tập đoàn Hưng Thịnh, thì tài sản đảm bảo được làm chặt chẽ. Hiện, trong bối cảnh thị trường trái phiếu khó khăn, quy định điều kiện phát hành siết chặt… VDSC có chia sẻ cùng với các tổ chức phát hành trong điều kiện rất nhiều khó khăn.

Trái phiếu tại Hưng Thịnh Quy Nhơn chưa đáo hạn, dự kiến còn hơn 1 năm nữa. Hiện, với trái phiếu này cũng đã thực hiện nghĩa vụ đầy đủ, với tài sản đảm bảo là dự án Meryland Quy Nhơn.

4. Kỳ vọng vận hành hệ thống KRX thì CTCK có triển khai sản phẩm mới, vậy VDSC đã sẵn sàng chưa?

Về việc triển khai hệ thống KRX, VDSC cũng là một thành viên và đang tham gia test với Sở GDCK. Hiện, có nhiều tính năng chưa hoàn thiện, ví dụ các tính năng mới liên quan thanh toán bù trừ, thanh toán…thì các CTCK chưa đáp ứng được ngay, đều đang phải làm việc với các đối tác làm phần mềm để chỉnh sửa. VDSC luôn theo sát tiến độ test với Sở và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD).

Chia sẻ về thêm các lĩnh vực hiện nay, ông Nguyễn Miên Tuấn cho biết chiến lược phát triển của VDSC đặt ra đến năm 2030 sẽ dựa tên 5 trụ cột chính: môi giới, cho vay, đầu tư, ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản. Tỷ trọng sẽ phân bổ tuỳ vào từng giai đoạn. Trong bối cảnh hiện nay, nhìn vào hầu hết CTCK ở Việt Nam thì mảng ngân hàng đầu tư và quản ký tài sản còn khá khiêm tốn, ngược lại đang nhiều dựa vào cho vay, môi giới và đầu tư.

Quan điểm VDSC rất rõ, làm CTCK không đầu tư thì chẳng biết tư vấn gì cho khách hàng. Dù rằng có nhiều quan điểm khác nhau về việc này, CTCK chỉ nên cung cấp môi giới – cho vay – tư vấn, tránh đầu tư để tránh xung đột lợi ích. Nhưng, Luật chứng khoán trên thế giới và tại Việt Nam đều cho phép CTCK có hoạt động tự doanh. Dĩ nhiên, đầu tư không phải lúc nào cũng thắng. Như VDSC, năm 2022 chúng ta đầu tư thất bại. Không ai có thể bán đúng đỉnh, mua đúng đáy.

Riêng VDSC, dựa vào hợp đồng đầu tư cùng một số yếu tố khác, Công ty mới có thể tăng tính cạnh tranh ở môi giới, cho vay, ngân hàng đầu tư. Riêng mục quản lý tài sản thì cần thêm thời gian để xây dựng nền tảng vững.

Thời gian qua, Công ty cũng đang nghiên cứu thêm đầu tư sản phẩm khác, ví dụ năm 2022 Công ty đã có tổ chức kinh doanh thêm nguồn vốn song vẫn chưa thuận lợi do lãi suất ngoại tệ, tỷ giá biến động.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *