“Dồn lực” cho dự án Container Hoà Phát, một doanh nghiệp cung cấp sơn đặt mục tiêu doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận tăng trưởng 50%

"Dồn lực" cho dự án Container Hoà Phát, một doanh nghiệp cung cấp sơn đặt mục tiêu doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận tăng trưởng 50%

Doanh nghiệp cho biết năm nay sẽ tập trung chạy thử trên dây chuyền tại Nhà máy Container Hoà Phát và chính thức là nhà cung cấp sơn Container cho Hoà phát cho những năm tới.

Tập trung chiến lược vào Nhà máy Container Hoà Phát

CTCP Sơn Hải Phòng (mã HPP) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông với nhiều thông tin đáng chú ý.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, Sơn Hải Phòng đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.181 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 60 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ. Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là năm thứ 3 doanh nghiệp cán mốc doanh thu trên nghìn tỷ đồng. Về sản lượng tiêu thụ, Sơn Hải Phòng dự kiến đạt 17.000 tấn, trong đó 13.000 tấn sơn và 4.000 tấn nhựa Alkyd.

"Dồn lực" cho dự án Container Hoà Phát, một doanh nghiệp cung cấp sơn đặt mục tiêu doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận tăng trưởng 50% - Ảnh 1.

Chiến lược để hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 là tập trung phát triển thị trường sơn, cụ thể là thị trường sơn Container. Trong năm 2022, doanh nghiệp đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất sơn Container với CMP. Doanh nghiệp đã sản xuất sơn cấp cho Tập đoàn Hoà Phát để chạy thử trên dây chuyền và bước đầu đạt kết quả khả quan.

Doanh nghiệp cho biết năm nay sẽ tập trung chạy thử trên dây chuyền tại Nhà máy Container Hoà Phát và chính thức là nhà cung cấp sơn Container cho Hoà phát cho những năm tới. Đây sẽ là dòng sản phẩm làm tăng doanh thu và cũng là tiền đề phát triển của doanh nghiệp trong năm 2023.

Nói thêm về dự án Nhà máy Container Hoà Phát, vào đầu năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát công bố sẽ sản xuất container trong bối cảnh thế giới đang trong “cơn khát” container trầm trọng bởi Covid. Dù đón sai “sóng” container khi giá tàu biển hiện quay về trước dịch Covid, nhưng trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 tổ chức mới đây, ông Trần Đình Long vẫn lạc quan cho rằng Hoà Phát không không vay nợ để làm dự án này nên không quá vội vàng, có thể hiện tại không tốt nhưng lâu dài sẽ tốt.

Trong báo cáo thường niên năm 2022, Hoà Phát cho biết sau hơn một năm xây dựng, giai đoạn 1 cơ bản đã thành hình, hiện Công ty CP Sản xuất Container Hòa Phát đang hiệu chỉnh và chạy thử thiết bị, dây chuyền công nghệ. Dự kiến, Nhà máy sẽ cho ra sản phẩm chính thức từ đầu quý 2/2023.

Bên cạnh đẩy mạnh thị trường sơn Container, đối với thị trường sơn dân dụng, doanh nghiệp lấy sản phẩm sơn thép mạ kẽm AC-Zn và sơn Economy làm chủ đạo xây dựng và phát triển thị trường này. Phát triển thêm dòng sơn nhanh khô AK -QD (ĐB) cho các nhà máy từ Bắc vào Nam, tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường sơn dân dụng tại các tỉnh miền Bắc đến miền Trung.

Về kế hoạch đầu tư trong năm 2023, Sơn Hải Phòng dự kiến chi khoảng 100 tỷ đồng. Theo đó, HPP xác định một trong những mục tiêu quan trọng trong hạng mục đầu tư của năm nay là chuẩn bị quỹ đất tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ với tổng đầu tư 41,4 tỷ. Bên cạnh đó, đầu tư dây chuyền Nhựa Alkyd tổng hợp tại Nhà máy Phí Nam với công suất 30.000 tấn/năm, giai đoạn 1:15.000 tấn/năm dự kiến mức đầu tư 40-50 tỷ.

Cổ tức đều đặn qua từng năm

Theo tìm hiểu, Sơn Hải Phòng tiền thân là Xí nghiệp hóa chất sơn dầu, chính thức đi vào hoạt động theo mô hình CTCP vào năm 2004 với số vốn điều lệ là 20 tỷ đồng. Năm 2010, doanh nghiệp tiến hành đăng ký giao dịch trên sàn Upcom.

Về lĩnh vực hoạt động, Sơn Hải Phòng chủ yếu sản xuất và kinh doanh sơn các loại như sơn tàu biển, sơn công nghiệp, sơn chống cháy… cùng với kinh doanh vật tư, thiết bị, hóa chất thông thường.

Đáng chú ý, HPP là đơn vị cung cấp sản phẩm sơn tấm lợp cho nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành thép như Hoa Sen, Hòa Phát, CTCP Tôn Vikor.

Trong giai đoạn 2017-2020, HPP đưa ra thị trường các sản phẩm mới như sơn sàn công nghiệp, sơn chống cháy (năm 2017), sơn Economy (năm 2018) và sơn thép mạ kẽm (năm 2019).

Đặc biệt, sản phẩm sơn tàu biển của HPP khá nổi trội do được cổ đông lớn là Tập đoàn sơn tàu biển Chugoku chuyển giao công nghệ về việc sản xuất dòng sơn này. Chugoku là tập đoàn sơn tàu biển nổi tiếng thế giới với hơn 100 năm lịch sử, hiện đang nắm giữ 10% cổ phần của HPP.

Giai đoạn 2017-2020, Sơn Hải Phòng tăng trưởng khá đều đặn qua từng năm, lợi nhuận trước thuế năm 2020 cán mốc 111 tỷ đồng. Đà tăng trưởng của HPP bắt đầu chững lại kể từ năm 2021 trước những ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid và khó khăn chung của nền kinh tế. Theo báo cáo kiểm toán năm 2022, doanh thu của HPP tăng 18% lên 1.218 tỷ đồng, song lợi nhuận trước thuế giảm đến 47% xuống còn 40 tỷ đồng.

Tuy vậy, doanh nghiệp ngành sơn này vẫn duy trì mức cổ tức tiền mặt khá cao và đều đặn. Kể từ 2016, HPP duy trì mức chi trả cổ tức bằng tiền đều đặn là 30% mỗi năm. Trong năm 2023, trước những khó khăn chung, doanh nghiệp đưa ra hai kịch bản, nếu lợi nhuận trước thuế đạt mục tiêu 60 tỷ thì mức cổ tức là 30%, nếu dưới mức 60 tỷ sẽ trả cổ tức 25%.

"Dồn lực" cho dự án Container Hoà Phát, một doanh nghiệp cung cấp sơn đặt mục tiêu doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận tăng trưởng 50% - Ảnh 2.

Trên thị trường, cổ phiếu HPP vẫn sideway quanh mức giá 56.400 đồng (phiên 4/4). Tuy nhiên, nếu so với mức giá cách đây 1 năm, cổ phiếu này đã giảm 15% giá trị.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *