Trái chiều lợi nhuận quý 2 nhóm doanh nghiệp xây lắp hưởng lợi từ “cú hích” đầu tư công

Trái chiều lợi nhuận quý 2 nhóm doanh nghiệp xây lắp hưởng lợi từ "cú hích" đầu tư công

Mức độ tăng trưởng lợi nhuận theo doanh thu của các doanh nghiệp này chưa đạt kỳ vọng trong ngắn hạn do nhiều nguyên nhân.

Theo Tổng cục thống kê (GSO), vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN trong tháng 7 ước đạt 58.500 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với cùng kỳ, tăng trưởng tháng thứ 3 liên tiếp. Tính chung 7 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN ước đạt hơn 291.000 tỷ đồng, bằng 41,3% kế hoạch năm và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trái chiều lợi nhuận quý 2 nhóm doanh nghiệp xây lắp hưởng lợi từ "cú hích" đầu tư công - Ảnh 1.

Nguồn: VNDirect

Kể từ đầu năm, Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh xuất khẩu giám tốc cũng như đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài suy yếu. Điều này đã thúc đẩy kỳ vọng của nhà đầu tư trên sàn về các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng cũng như vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi.

Lợi nhuận phân hóa, biên lãi “mỏng”

Không thể phủ nhận các tác động tích cực từ việc đẩy nhanh đầu tư công đến các doanh nghiệp ngành xây dựng, đặc biệt là nhóm xây dựng hạ tầng. Minh chứng rõ ràng nhất là giá một số cổ phiếu trong nhóm hưởng lợi trực tiếp như LCG, VCG, HHV, C4G đã tăng mạnh từ cuối năm, thậm chí vượt trội hơn so với thị trường chung.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý 2/2023 của nhóm này lại ghi nhận nhiều sự phân hóa, điểm sáng nằm tại các doanh nghiệp quy mô lớn.

Trái chiều lợi nhuận quý 2 nhóm doanh nghiệp xây lắp hưởng lợi từ "cú hích" đầu tư công - Ảnh 2.
Trái chiều lợi nhuận quý 2 nhóm doanh nghiệp xây lắp hưởng lợi từ "cú hích" đầu tư công - Ảnh 3.

Điển hình như Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex; mã: VCG ghi nhận doanh thu thuần quý 2 đạt 4.567 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của công ty đạt 6.532 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ, trong đó mảng xây lắp đóng góp tới 3.922 tỷ đồng, chiếm 60% tổng doanh thu. Tuy nhiên, doanh nghiệp báo lãi sau thuế nửa đầu 2023 giảm tới 81% so với nửa đầu 2022, còn vỏn vẹn 139 tỷ đồng do hụt thu từ hoạt động tài chính.

Bên cạnh Vinaconex, CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả ( mã: HHV) là một trong số ít những doanh nghiệp hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công có kết quả kinh doanh quý 2 tăng trưởng. Đèo Cả báo doanh thu quý 2 tăng 24% so với cùng kỳ, ghi nhận 612 tỷ đồng. Mảng xây lắp tăng gấp rưỡi cùng kỳ năm trước, mang lại hơn 191 tỷ đồng doanh thu. LNST hợp nhất quý 2/2023 đạt 109 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu hợp nhất Công ty đem lại 1.151 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 192 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 21% so với 6 tháng đầu năm 2022.

Trái chiều, một số doanh nghiệp xây lắp khác như Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (mã: CII), Tập đoàn CIENCO4 (mã: C4G) hay CTCP LIZEN (mã: LCG) cùng báo doanh thu và lợi nhuận sụt giảm. Đáng chú ý, lãi sau thuế quý 2/2023 của LCG còn giảm tới 75% so với cùng kỳ xuống còn 20 tỷ đồng; CII lãi giảm 35% còn 83 tỷ đồng hay C4G cũng không khá khẩm hơn, lãi giảm gần 30% xuống còn 37 tỷ đồng.

Cần lưu ý rằng, biên lãi gộp của các doanh nghiệp xây lắp trên dường như chỉ “lình xình” đi ngang. Thậm chí, Vinaconex, doanh nghiệp xây lắp hàng đầu ghi nhận biên lãi gộp quý 2 ở mức hơn 9%, thấp nhất trong vòng 3 quý. Biên lợi nhuận gộp của Lizen và Cienco4 ở mức dưới 20%.

Một trong những nguyên nhân khiến biên lãi gộp của nhóm xây dựng trở nên “mỏng” là bởi chi phí giá vốn (cụ thể là nguyên vật liệu) tăng cao.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Vinaconex hồi tháng 4, Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh chia sẻ: “Riêng với đầu tư công, giá trị dự án rất lớn nhưng nhà thầu mang tinh thần “ăn no vác nặng” nên lợi nhuận không cao. Nhưng tại sao phải làm vì đó là một trong những trụ cột chính của tổng công ty. Không phải làm lấy lỗ nhưng lợi nhuận mảng đầu tư công không cao, làm 10.000 tỷ nhưng lợi nhuận chỉ 2-3%“.

Đáng chú ý, biên lãi gộp quý 2/2023 của HHV đạt gần 47% vẫn là mức cao nhất trong nhóm doanh nghiệp xây lắp, song biên lãi mảng xây lắp chỉ ở mức 17%.

Trái chiều lợi nhuận quý 2 nhóm doanh nghiệp xây lắp hưởng lợi từ "cú hích" đầu tư công - Ảnh 4.

Doanh thu kỳ vọng tăng gấp đôi giai đoạn 2023-25 nhờ các dự án được thi công

Trong một báo cáo gần đây, SSI Research cho rằng đặc thù ngành xây dựng hạ tầng là biên mỏng và các khoản phải thu cao, đa số sử dụng đòn bẩy tài chính cao và chịu áp lực chi phí tài chính tăng trong môi trường lãi suất cao. Điều này sẽ dẫn đến mức độ tăng trưởng lợi nhuận theo doanh thu chưa thể hiện rõ trong ngắn hạn.

Nhóm phân tích SSI cũng cho rằng các doanh nghiệp hưởng lợi từ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ là các doanh nghiệp đầu ngành, có tiềm lực tài chính đủ mạnh và lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, cần có kinh nghiệm tham gia các dự án xây dựng hạ tầng trọng điểm, hàm lượng kỹ thuật cao.

Mặt khác, Chứng khoán VNDirect đánh giá rằng việc các dự án hạ tầng giao thông thường được thi công trong 2-2,5 năm, do đó trong giai đoạn 2023-25, các công ty xây dựng hàng đầu đang đứng trước cơ hội tăng gấp đôi quy mô doanh thu so với giai đoạn 2021-22.

Tựu chung lại, dù các doanh nghiệp hưởng lợi từ “cú hích” đầu tư công chưa có mức tăng trưởng lợi nhuận như kỳ vọng nhưng việc tăng trưởng sẽ sớm trở thành hiện thực từ tiến độ giải ngân trong thời gian tới.

Hơn nữa, không thể phủ nhận đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế, nhất là khi nhiều lĩnh vực khác đang trở nên khó khăn. Do đó, câu chuyện đầu tư công vẫn sẽ tiếp tục là tâm điểm thu hút nhà đầu tư trong thời gian sắp tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *