Chứng khoán đi vào vùng rủi ro điều chỉnh ngắn hạn trong tháng 4

Chứng khoán đi vào vùng rủi ro điều chỉnh ngắn hạn trong tháng 4

Thị trường chứng khoán bước vào tháng 4 với những khó khăn bất định. VN-Index có thể có những pha điều chỉnh bất ngờ, nhưng cần thiết sau thời gian tăng điểm.

Chứng khoán đi vào vùng rủi ro điều chỉnh ngắn hạn trong tháng 4
Thị trường đang được dự báo có nhiều kịch bản khó lường trong tháng 4. Ảnh: Lê Toàn

Thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ và xác lập phiên giảm thứ 4 liên tiếp với thanh khoản xuống mức thấp nhất trong phiên hôm qua. Điều đáng nói chính là thanh khoản thị trường giảm mạnh về mức 20.000 tỉ đồng, là mức thấp nhất trong khoảng hơn 1 tháng qua, kể từ phiên 22.2 đạt gần 18.000 tỉ đồng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực chính ngăn VN-Index thủng mốc 1.250 điểm.

Bên cạnh thanh khoản thị trường giảm mạnh, nhà đầu tư nước ngoài cũng giao dịch kém sôi động hơn và trở lại trạng thái bán ròng hơn 80 tỉ đồng trong phiên rung lắc và điều chỉnh giảm ngày 8.4. Xét về mặt giá trị giao dịch, nhóm nhà đầu tư cá nhân tăng bán ròng khi ngưỡng 1.265 điểm bị vi phạm. Yếu tố hỗ trợ chính của thị trường trong 2 phiên gần nhất thuộc về nhóm nhà đầu tư ngoại và tổ chức trong nước. Như vậy, nếu như lực kéo VN-Index trong giai đoạn tăng điểm vừa qua là nhóm nhà đầu tư cá nhân, thì động lực chính đó đang dần suy giảm và có khả năng kích hoạt thêm áp lực điều chỉnh trong thời gian tới.

Theo SGI Capital nhận định, đang có nhiều áp lực lên dòng tiền trên thị trường chứng khoán. Đầu tiên là áp lực đến từ tỉ lệ margin tăng nhanh trong 3 tháng vừa qua, kế đến là áp lực từ nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng mạnh. Bên cạnh đó, còn có áp lực từ kế hoạch phát hành của nhiều công ty niêm yết trong quý II và lượng bán ròng của cổ đông nội bộ cũng tăng lên. Trong khi đó, thanh khoản của thị trường gần đây bị thu hút vào một số nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao và định giá đắt với nguồn cung rất lớn. Do đó, nhu cầu mua đã nhanh chóng được đáp ứng và thị trường tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn.

Những điều đó đang cho thấy thị trường chứng khoán bước vào tháng 4 với những khó khăn bất định. Trong bối cảnh nhà đầu tư còn thận trọng khi xem xét rủi ro thị trường và chờ đợi kết quả kinh doanh quý I/2024, áp lực điều chỉnh để đánh giá lại thị trường chung đã có lo ngại về việc có thể đưa VN-Index về mức 1.200 điểm.

Công ty Chứng khoán ABS dự báo kết quả kinh doanh quý I/2024 toàn thị trường tăng xấp xỉ 6,5% so với cùng kỳ và các thông tin đại hội cổ đông sẽ hỗ trợ thị trường trong tháng 4. Tuy nhiên, định giá P/E quá khứ của VN-Index đã tăng lên mức 15,0x cuối tháng 3, cao hơn mức tại đỉnh VN-Index đạt được tháng 9.2023, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư đi trước tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong khi đó, hạn mức cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán đang dần cạn kiệt và tâm lý chốt lời gia tăng sau 5 tháng thị trường liên tiếp tăng điểm.

Trong kịch bản tích cực, TS Nguyễn Duy Phương nhận định nhịp hồi phục với mức độ tin cậy cao sẽ đi kèm với sự cải thiện quyết liệt của lực cầu chủ động và nhóm cổ phiếu trụ cột đồng thuận trở lại đường đua. Trạng thái cân bằng sẽ là mục tiêu mà thị trường cần sớm đạt được trong các phiên tới, trước khi thị trường xác nhận kết thúc nhịp điều chỉnh. Điểm mua tối ưu trong ngắn hạn là khi thị trường cân bằng trở lại.

Xét từ góc nhìn dài hạn hơn, với kỳ vọng kinh tế tiếp tục hồi phục và thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng tương ứng trong trung và dài hạn, thì đợt điều chỉnh lần này là cần thiết sau khoảng thời gian tăng 5 tháng kể từ tháng 11.2023. Nhịp điều chỉnh cũng sẽ mở ra cơ hội để giải ngân, tích lũy các cổ phiếu mục tiêu.

Theo: Lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *