MBBank đặt mục tiêu lợi nhuận vượt 1 tỷ USD

Sau năm 2022 ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 1 tỷ USD quy đổi, MBBank kỳ vọng lợi nhuận năm nay sẽ chính thức vượt mốc tỷ USD này, với mức lãi 26.100 tỷ đồng.

Đây là một trong những nội dung quan trọng được MBBank đưa ra trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, dự kiến tổ chức ngày 25/4 tới đây.

Cụ thể, sau năm 2022 với lợi nhuận tăng trưởng mạnh 38%, đạt 22.729 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD quy đổi theo tỷ giá hiện tại, ban lãnh đạo MBBank dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận năm nay với mức tăng trưởng xấp xỉ 15%, lên 26.100 tỷ đồng.

Tham vọng lợi nhuận vượt 1 tỷ USD

Nếu hoàn tất kế hoạch này, đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của MBBank và cũng là năm đầu tiên ngân hàng báo lãi vượt 1 tỷ USD.

Kế hoạch kinh doanh kể trên được đưa ra cùng với các chỉ tiêu tài chính như tổng tài sản dự kiến tăng 14%, đạt 830.000 tỷ đồng vào cuối năm; huy động vốn và tín dụng dự kiến đạt lần lượt 591.000 tỷ và 583.600 tỷ đồng, tăng 15%.

Bên cạnh đó, MBBank cũng đặt mục tiêu vốn điều lệ năm nay tăng thêm 20%, đạt 54.363 tỷ đồng và kiểm soát nợ xấu dưới 2% tổng dư nợ toàn hệ thống, và dưới 1,5% riêng ngân hàng mẹ.

Theo kế hoạch trình cổ đông, MBBank cho biết năm nay ngân hàng sẽ tập trung vào năng lực chuyển đối số, ứng dụng các công nghệ mới cho hoạt động kinh doanh. Đồng thời, ngân hàng cũng đặt mục tiêu tăng trưởng huy động vốn, tăng CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn), duy trì vị trí top 1 CASA trong hệ thống để tối ưu chi phí vốn, đảm bảo các chỉ số an toàn của NHNN và thanh khoản.

Với tăng trưởng tín dụng, ngân hàng sẽ bám sát chỉ đạo tín dụng và giới hạn tăng trưởng tín dụng của NHNN giao, trong đó ưu tiên cho tín dụng bán lẻ.

Tiếp tục nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém

Đáng chú ý, MBBank cũng cho biết trong năm nay, ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch tham gia nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng là một ngân hàng thương mại theo các nội dung đã được cổ đông thông qua trước đó.

Bên cạnh đó, MBBank sẽ tham gia các giao dịch hợp tác, hỗ trợ với ngân hàng thương mại đó để chuẩn bị cho việc nhận chuyển giao bắt buộc.

Ban lãnh đạo ngân hàng đánh giá, với nguồn lực và kinh nghiệm triển khai thành công một số phương án tái cơ cấu, MBBank có thể thực hiện thành công phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng này.

Hiện tại, ngoài MBBank, HDBank và Vietcombank cũng đã lấy ý kiến và được cổ đông thông qua chủ trương nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. Trong khi đó, ban lãnh đạo VPBank cũng tiết lộ có kế hoạch tương tự.

 Cùng với MBBank, HDBank, Vietcombank và VPBank cũng đang có kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. Ảnh: Chí Hùng.

Cùng với MBBank, HDBank, Vietcombank và VPBank cũng đang có kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. Ảnh: Chí Hùng.

Với riêng HDBank, nhà băng này đánh giá việc hỗ trợ cơ chế ưu đãi bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm khi tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng có thể giúp ngân hàng tăng trưởng đột phá, chiếm lĩnh thị trường và trở thành một trong các ngân hàng top đầu trong 5 năm tới.

Theo kế hoạch, HDBank sẽ góp vốn tối đa 9.000 tỷ đồng vào ngân hàng được nhận chuyển giao bắt buộc và trở thành ngân hàng mẹ sở hữu 100% vốn. Tuy vậy, mức vốn này có thể được góp thêm phù hợp với lộ trình của phương án nhận chuyển giao bắt buộc được NHNN phê duyệt.

Ngân hàng được nhận chuyển giao bắt buộc sẽ là pháp nhân độc lập với HDBank, không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính, không hợp nhất khi tính tỷ lệ an toàn vốn. Khoản góp vốn góp vào ngân hàng này cũng không phải thực hiện trích lập dự phòng và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần.

Liên quan tới hoạt động nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém, mới đây, NHNN đã có Tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 01/2014 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.

Trong đó, dự thảo tờ trình đề xuất cho phép tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc được nâng room ngoại lên tối đa 49%. Quy định này không áp dụng với ngân hàng có vốn Nhà nước sở hữu trên 50%.

Như vậy, trong số 4 ngân hàng có kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém, gồm HDBank, MBBank, Vietcombank và VPBank, Vietcombank sẽ không đủ điều kiện được nới room ngoại lên 49%. Trong khi 3 nhà băng còn lại có thể đáp ứng điều kiện này.

NHNN cũng cho biết hiện đã có 2 ngân hàng nhận chuyển giao tại phương án có đề xuất được nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 49%. Đến tháng 6/2022, 2 nhà băng này chiếm gần 6,6% tổng tài sản, 5,26% thị phần huy động và gần 5,5% thị phần cho vay của toàn hệ thống ngân hàng cổ phần.

Quang Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *