Tắc đầu ra, nhà băng lớn hãm huy động vốn

Các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng, nhưng hiện nay tăng trưởng mới được khoảng 35% so với mức Ngân hàng Nhà nước đã giao. Đây cũng là lý do khiến các nhà băng “hãm” huy động vốn và cạnh tranh quyết liệt tìm khách vay.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết tháng 5/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,3 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022. Điều này cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, thấp hơn đáng kể so với năm ngoái (cùng kỳ năm 2022, tăng trưởng tín dụng đạt xấp xỉ 8%).

Tín dụng khó tăng mạnh nửa cuối năm

Lý giải nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà nêu 3 lý do chính khiến tăng trưởng tín dụng ở mức thấp.

Thứ nhất, với các doanh nghiệp sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do thiếu đơn hàng dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút.

-8996-1686649570.jpg

Trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng lớn đã giảm lãi suất huy động khá xa trần để “hãm” bớt huy động vốn.

Thứ hai, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng.

Thứ ba, liên quan đến tín dụng bất động sản, nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn, trong đó có khó khăn về pháp lý, ít có dự án mới triển khai, do vậy nhu cầu tín dụng đối với bất động sản cũng giảm sút.

Cũng theo nhận định của các chuyên gia SSI, cầu vốn tín dụng suy yếu là nguyên nhân chính khiến tín dụng chững lại trong 5 tháng đầu năm. Dẫn dự báo của các ngân hàng thương mại, các chuyên gia tại đây cho biết, cầu tín dụng thấp suốt cả quý II/2023 và khó có thể tăng mạnh nửa cuối năm khi đầu ra của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, dù lãi suất cho vay đã giảm đáng kể sau khi Ngân hàng Nhà nước 3 lần giảm lãi suất điều hành từ tháng 3 đến tháng 5.

Theo ước tính, lãi suất cho vay trung bình (không tính các khoản ưu đãi) hiện tại vào khoảng 12,5%/năm – giảm khoảng 220 điểm cơ bản so với cuối năm 2022 nhưng vẫn cao hơn khoảng 200 điểm cơ bản so với năm 2019.

Còn theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay của các bảng vay mới bình quân hiện tại khoảng 9,07% một năm, giảm 0,9% so với cuối năm ngoái. “Với số liệu như thế này, chúng tôi tin tưởng rằng mặt bằng lãi suất đang giảm và cũng sẽ giảm trong thời gian tới”, ông Phạm Thanh Hà cho biết.

Trên thực tế, mặc dù các ngân hàng thương mại đều đã giảm lãi suất cho vay nhằm kích thích nhu cầu đầu tư và tiêu dùng, mức lãi suất này chủ yếu chỉ áp dụng với các khoản vay mới và chỉ có số ít các ngân hàng thương mại (chủ yếu ngân hàng thương mại nhà nước) giảm lãi vay cho các khoản vay hiện hữu.

“Hãm” huy động vốn

Chia sẻ với báo chí, lãnh đạo nhiều ngân hàng thừa nhận, cầu vốn của nền kinh tế quá yếu dù lãi suất đã hạ nhiệt. Điều này khiến các nhà băng lớn phải “hãm” huy động vốn và cạnh tranh quyết liệt tìm khách vay.

Chẳng hạn như tại BIDV, lãnh đạo ngân hàng này cho biết: Ngân hàng là ngành cạnh tranh rất khốc liệt, với hàng chục các tổ chức tín dụng, do đó có rất nhiều người bán, nên nói doanh nghiệp không tiếp cận được tín dụng là không đúng, bởi nếu không tiếp cận được ngân hàng A thì có thể chuyển sang ngân hàng B, rất nhiều ngân hàng trên thị trường sẵn sàng cung ứng vốn. Mặc dù khẩu vị rủi ro khác nhau, có ngân hàng quy định chặt chẽ, nhưng cũng có ngân hàng lỏng hơn nên doanh nghiệp có nhiều cơ hội vay vốn.

Agribank cũng là ngân hàng có lãi suất cho vay hấp dẫn nhất hệ thống, song cũng không dễ tăng tín dụng. Lãnh đạo Agribank cho biết, tín dụng của ngân hàng này tăng trưởng âm 4 tháng đầu năm và mới chỉ tăng trở lại từ tháng 5/2023. Thị trường khó khăn, tiêu thụ nông sản yếu khiến nhu cầu tín dụng suy giảm mạnh.

Tương tự, tại VietinBank, tới cuối tháng 5/2023 tăng trưởng tín dụng của nhà băng này đạt tới 6% – cao nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước và gấp đôi mức tăng trưởng trung bình toàn hệ thống. Mặc dù vậy, lãnh đạo nhà băng này chia sẻ, trong tháng 5/2023, tín dụng ngân hàng đã bắt đầu sụt giảm.

Trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng lớn đã giảm lãi suất huy động khá xa trần để “hãm” bớt huy động vốn. Đơn cử tại bốn ngân hàng lớn có vốn nhà nước gồm Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV, lãi suất cao nhất là 6,8%/năm kỳ hạn 12 tháng.

Lãnh đạo VietinBank cho hay, huy động vốn của VietinBank 5 tháng đầu năm chỉ tăng 3,6%, tức bằng nửa tốc độ tăng tín dụng. “Chúng tôi không huy động vốn bằng mọi giá, mà chỉ huy động đủ với nhu cầu để nâng cao hiệu quả hoạt động”, lãnh đạo Vietinbank chia sẻ.

Đồng thời các ngân hàng cho biết đang phấn đấu tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay.

Đại diện BIDV cho biết: “Trong thời gian tới, BIDV tiếp tục kéo giảm lãi suất nhằm kích thích nhu cầu đầu tư và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp, qua đó giúp tín dụng tăng tương ứng”.

Tại VietinBank, tỷ lệ Chi phí trên thu nhập (CIR)  hiện nay đang ở Top thấp nhất hệ thống. Năm 2023, HĐQT VietinBank đưa ra mục tiêu kiểm soát CIR ở mức 28% (thông lệ quốc tế là 31-32%).

“Chúng tôi đang phấn đấu đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% và triển khai Thông tư 02 về cơ cấu nợ, VietinBank đang là ngân hàng có doanh số giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% cao nhất hệ thống. Bên cạnh nỗ lực đẩy mạnh tín dụng, chúng tôi cũng xác định an toàn, hiệu quả tín dụng là mục tiêu hàng đầu. Chính vì vậy, nợ xấu thực của VietinBank tính tới cuối tháng 5/2023 chỉ 1,8%”, lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.

Huyền Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *