Tăng trưởng lợi nhuận có thể chậm lại, nên chọn cổ phiếu ngân hàng nào?

Tăng trưởng lợi nhuận của ngành Ngân hàng dự báo sẽ chậm lại và đạt 10 – 12% so với cùng kỳ trong năm 2023 – 2024. Nguyên nhân là tăng trưởng tín dụng chậm lại, biên lãi ròng thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.

Tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt trong giai đoạn 2023 – 2024 trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn nhiều biến động như: thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, chính sách “diều hâu” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gây áp lực lên tỷ giá, lãi suất và lạm phát.

Chuyên gia của VNDIRECT dự báo, tăng trưởng lợi nhuận của ngành Ngân hàng sẽ chậm lại và đạt 10 – 12% so với cùng kỳ trong năm 2023 – 2024 (từ mức 32% so với cùng kỳ năm 2022) khi tăng trưởng tín dụng chậm lại, biên lãi ròng (NIM) thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.

Theo bà Trần Thị Thu Thảo – Chuyên viên phân tích cao cấp của VNDIRECT, ngành Ngân hàng sẽ phải đối mặt với chi phí vốn tăng do thanh khoản căng thẳng và chính sách tiền tệ thắt chặt. “Với việc áp lực huy động vốn đang tăng cao, chúng tôi cho rằng chi phí vốn của ngành Ngân hàng sẽ tăng mạnh trong năm tới, gây ảnh hưởng lên NIM. Bên cạnh đó, lợi suất tài sản (asset yield) khó có thể tăng đủ mạnh để bù đắp do lãi suất cho vay khó tăng mạnh khi Chính phủ đang kêu gọi giảm lãi suất để chia sẻ gánh nặng cùng khách hàng” – bà Thu Thảo cho hay.

Nguồn:Fiinpro, VNDIRECT RESEARCH, Bloomberg.

Nguồn:Fiinpro, VNDIRECT RESEARCH, Bloomberg.

Theo dự báo của VNDIRECT, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại và đạt 11 – 12% trong năm 2023. Lý giải cho dự báo này, bà Trần Thị Thu Thảo – Chuyên viên phân tích cao cấp của VNDIRECT cho rằng, thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và lãi suất tăng; đồng thời, dù vẫn trong tầm kiểm soát song lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao. Ngoài ra, căng thẳng thanh khoản cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng.

Trước bối cảnh hiện nay, chuyên gia này cho rằng, NHNN sẽ ưu tiên các ngân hàng thương mại có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt.

Ưu tiên các ngân hàng có khả năng phòng thủ tốt

Bà Trần Thị Thu Thảo cho rằng, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây và ngân hàng vẫn được hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Do đó, định giá ở mức thấp nhất lịch sử 1 lần P/B (giá trên giá trị sổ sách) năm 2023 đang mở ra một cơ hội đầu tư hết sức hấp dẫn. “Với bối cảnh hiện tại, chúng tôi ưu tiên các ngân hàng có khả năng phòng thủ trước những biến động: quản trị rủi ro tốt, cho vay bất động sản hạn chế, có bộ đệm vốn vững chắc trong 3 năm tới” – bà Thu Thảo cho hay.

Ưu tiên chọn cổ phiếu ngân hàng có danh mục cho vay ít rủi ro

“Trong giai đoạn biến động này, chúng tôi ưu tiên những ngân hàng sở hữu danh mục cho vay ít rủi ro, tham gia hỗ trợ các ngân hàng yếu kém, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị thanh khoản tốt, sẽ nhận được hạn mức tín dụng cao hơn. Bên cạnh đó, ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao, tỷ trọng cho vay bán lẻ cao và tỷ lệ huy động ngắn hạn trên cho vay dài hạn thấp sẽ có khả năng giảm thiểu rủi ro biên lãi ròng giảm. Sau cùng, chất lượng tài sản ổn định và tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay dồi dào sẽ là chìa khóa giúp các ngân hàng ứng phó với kịch bản nợ xấu có thể tăng mạnh trong thời gian tới” – bà Trần Thị Thu Thảo.

Các ngân hàng Việt Nam đã và đang cố gắng để cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Hệ số CAR đã ghi nhận cải thiện tốt trong những năm gần đây, khi các ngân hàng đang từng bước tiến tới những tiêu chuẩn của Basel III và xây dựng một bộ đệm vốn vững chắc cho việc tăng trưởng tín dụng trong tương lai.

Theo chuyên gia của VNDIRECT, hiện có hơn 20 ngân hàng đã áp dụng tiêu chuẩn Basel II, trong đó, 6 ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột. Một số ít ngân hàng đã bắt đầu chuyển sang đáp ứng những tiêu chuẩn của Basel III. Những động thái này sẽ giúp các ngân hàng quản trị rủi ro và vốn hiệu quả hơn. Nhìn lại, bộ đệm vốn của ngành Ngân hàng Việt Nam vẫn tương đối mỏng so với tiêu chuẩn quốc tế. Tỷ lệ CAR trung bình của Việt Nam hiện thấp hơn tương đối nhiều so với ngân hàng trong khu vực. Thêm vào đó, tỷ lệ CAR của các ngân hàng quốc doanh này chỉ cao hơn mức tối thiểu một chút và thấp hơn so với các ngân hàng tư nhân.

“Các ngân hàng sẽ tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì cổ tức bằng tiền trong giai đoạn 2023 – 2024, do nhu cầu tăng vốn là hết sức cấp thiết, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh” – bà Trần Thị Thu Thảo cho hay.

Duy Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *