Tìm lối trong thế giới tiền mã hóa

Tìm lối trong thế giới tiền mã hóa

Theo SEC, việc mua ETF Bitcoin theo hình thức giao ngay (Spot) sẽ giúp nhà đầu tư hạn chế tin tặc tấn công.

Tìm lối trong thế giới tiền mã hóa
Giới trẻ nhiều quốc gia đang sôi sục với cơn sốt tiền mã hóa. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của loại tài sản này cũng không thể làm lu mờ rủi ro lớn mà nó có thể gây ra… Ảnh: shutterstock.com

Tháng 3 vừa qua chứng kiến sự biến động mạnh của giá trị Bitcoin khi đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 73.000 USD/btc vào giữa tháng và đang tạm neo lại ở mức 70.000 USD/btc vào cuối tháng. Để so sánh, giá trị Bitcoin hồi cuối tháng 3 đã tăng 114% so với chính nó hồi đầu tháng, 166% trong 90 ngày và 250% so với cách đây 1 năm.

Tháng 3 biến động 

Diễn biến tăng giá này đã được đoán trước phần nào. Sự xuất hiện của BlackRock, công ty quản lý tài sản truyền thống có quy mô lớn nhất của Mỹ, được cho là nhân tố khiến giá Bitcoin biến động mạnh trên thị trường. Thực tế, mỗi lần tăng giá của Bitcoin đều được ghi nhận bởi tác động của các tổ chức truyền thống tham gia. Lần gần đây nhất là tháng 4/2021, ngay sau khi Coinbase, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất của Mỹ, được niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq, tháng 10 cùng năm giá Bitcoin lập đỉnh với 69.000 USD/btc.

Tương tự ở lần tăng giá này, khoảng cuối tháng 2/2024, BlackRock gia tăng mua vào Bitcoin và trong thời gian ngắn, đơn vị này đã thăng từ vị trí thứ 11 về nắm giữ tài sản bằng Bitcoin lên vị trí số 2 toàn cầu, với tổng tài sản bằng Bitcoin trị giá 17,2 tỉ USD. Đứng đầu là Grayscale, công ty của Mỹ cung cấp sản phẩm đầu tư tiền kỹ thuật số thành lập năm 2013, với tổng tài sản quản lý hơn 24,3 tỉ USD.

Tìm lối trong thế giới tiền mã hóa
Bitcoin là thỏi nam châm lớn nhất khi tạo ra các cơ hội sinh lời hấp dẫn so với chi phí đầu tư. Ảnh: Quý Hòa

Việc tham gia của BlackRock để chuẩn bị cho quỹ giao dịch hối đoái dựa trên giá Bitcoin (ETF Bitcoin) kéo dài từ tháng 7/2023 cho đến khi được Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) chấp nhận hồi đầu năm nay. Ngoài BlackRock, một số đơn vị khác cũng được SEC chấp thuận là Ark Investments, 21Shares, Fidelity, Invesco và VanEck.

Theo SEC, việc mua ETF Bitcoin theo hình thức giao ngay (Spot) sẽ giúp nhà đầu tư hạn chế tin tặc tấn công. Ở góc nhìn cơ quan quản lý, việc niêm yết ETF Bitcoin trên các sàn giao dịch chứng khoán được quản lý chặt chẽ sẽ giúp hạn chế các vụ bê bối, thao túng giá hay rửa tiền trong thời gian qua. Theo nhận định của Chainalysis, xu hướng tích cực của thị trường tiền số năm 2023 tiếp tục kéo dài sang năm 2024.

Sức hút và lời cảnh báo 

“Cơ bản, nó giúp việc đầu tư Bitcoin dễ dàng hơn và đơn giản hơn cách thức hiện tại. Việc các cơ quan quản lý tham gia sẽ tạo niềm tin và giúp nhiều người tham gia đầu tư hơn”, Minh Tiến, nhà đầu tư tiền kỹ thuật số cá nhân, cho biết. Thuộc thế hệ 9X, Tiến tham gia đầu tư tiền mã hóa vào cuối năm 2017. Việc không chuẩn bị kiến thức khi tham gia vào thị trường đã khiến Tiến lỡ nhịp tăng trưởng của Bitcoin, anh đầu tư lúc giá cao và bán toàn bộ khi giá thấp.

Những nhà đầu tư như Tiến đã góp phần đưa Việt Nam bất ngờ xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng về lượng người nắm giữ tiền ảo trên thế giới với gần 26 triệu người (theo báo cáo gần đây của CryptoCrunchApp). Không chỉ giới trẻ Việt Nam, đây cũng là thực trạng chung của giới trẻ ở nhiều quốc gia khác, điển hình như Mỹ. Báo cáo tháng 1/2024 của Stilt, công ty cung cấp khoản vay ngang hàng ngắn hạn, cho thấy có đến 94% người mua tiền kỹ thuật số ở quốc gia này là thế hệ Millennials và Gen Z (từ 18-40 tuổi).

Tìm lối trong thế giới tiền mã hóa

Nguyên nhân vì Millennials và Gen Z là nhóm mang nợ cao hơn các thế hệ trước đó và tiền kỹ thuật số được xem là phương thức đầu tư để họ gia tăng tài sản tích lũy trong bối cảnh thu nhập tăng chậm hơn rất nhiều so với chi phí sinh hoạt và giá nhà. Nhìn chung, sự thiệt thòi của thế hệ khi không tiếp cận được tài sản giá hợp lý so với thế hệ Gen X và Boomer là nguyên nhân chính dẫn dắt Millennials và Gen Z đầu tư vào các sản phẩm dựa trên công nghệ blockchain để đổi đời. Trong bối cảnh đó, Bitcoin là thỏi nam châm lớn nhất khi tạo ra các cơ hội sinh lời hấp dẫn so với chi phí đầu tư.

Được thiết kế vào năm 2007 dựa trên công nghệ blockchain (chuỗi khối) và đưa vào thị trường sử dụng vào năm 2009 bởi cá nhân/tập thể ẩn danh với biệt hiệu Satoshi Nakamoto.Satoshi Nakamoto muốn phát triển một đơn vị tiền tệ mà người ta có thể tự do giao dịch với nhau không thông qua hệ thống ngân hàng hiện tại. Có tổng cộng 21 triệu Bitcoin sẽ được sinh ra vào năm 2140 (hiện đã khai thác được 19 triệu Bitcoin) và càng tiến gần tới mức giới hạn, việc tạo ra Bitcoin mới sẽ khó hơn. Để đảm bảo giá Bitcoin ở mức ổn định, sự kiện Bitcoin Halving được thiết lập cứ mỗi 4 năm, phần thưởng dành cho các thợ đào Bitcoin sẽ giảm một nửa.

Cứ thế chi phí tạo ra Bitcoin cứ tăng dần. Nếu như năm 2018, để tạo ra Bitcoin ở Mỹ cần 4.700 USD (Elite Fixtures) thì hiện nay là 26.500 USD. JPMorgan Chase & Co cho biết con số này có thể tăng lên 53.000 USD cho kỳ Halving tiếp theo. Cứ mỗi lần Bitcoin lập đỉnh giá mới, tức là có dòng tiền từ các đơn vị truyền thống xem nó như tài sản lưu trữ đổ vào thị trường tiền mã hóa, song song  đó là kéo theo nhiều người mới tham gia hơn. Khi Bitcoin càng lên cao, nó sẽ có tác dụng trú ẩn tài sản nhiều hơn và việc kiếm lợi nhuận từ nó sẽ không còn hấp đẫn như trước, từ đó hình thành nhu cầu đầu tư các “Alternate coin” hay còn gọi là Altcoin (tiền mã hóa khác).

Tìm lối trong thế giới tiền mã hóa

Cứ thế hình thành một hệ sinh thái các tiền mã hóa khác lấy Bitcoin làm thước đo chuẩn để gia tăng giá trị. Càng nhiều người sử dụng, tiền mã hóa đó sẽ càng có giá trị. Giống như thị trường bất động sản, nếu như Bitcoin là đất trung tâm, giá cao, tỉ suất lợi nhuận ổn định, dễ thanh khoản thì các nhà đầu tư bên cạnh Bitcoin sẽ tìm đến những dự án bất động sản bên ngoài trung tâm để gia tăng lợi nhuận. “Dự án nào có nhiều cộng đồng sử dụng, có tiềm năng phát triển sẽ được quan tâm. Nó là cách các Altcoin hoạt động và thu hút đầu tư hiện nay”, ông Lê Thanh, đồng sáng lập Ninety Eight, nói.

Giữa Bull Market và Bear Market

Bên cạnh các ưu điểm, Bitcoin cũng có nhược điểm như chỉ phù hợp cho việc lưu trữ thông tin, thời gian giao dịch lâu (10-60 phút tùy vào mức phí) nên các tiền mã hóa khác được tạo để khắc phục những nhược điểm này và hình thành một hệ sinh thái được sinh ra bởi công nghệ blockchain.

Ví dụ NFT trong ngành game, bất động sản chẳng hạn. Để lưu thông chúng, cần có các sàn giao dịch, từ đó phát sinh ra các công ty phát triển sàn giao dịch tập trung, phi tập trung và kéo theo hàng loạt các dịch vụ khác trên nền tảng blockchain phát triển như ví, công cụ xác thực tính bảo mật của các cơ chế sử dụng để chuyển tiền mã hóa… Phần lớn đều được định danh bằng một đơn vị tiền mã hóa của riêng mình để thuận tiện cho việc trao đổi.

Tìm lối trong thế giới tiền mã hóa
Sự kiện của Ninety Eight thu hút cộng đồng blockchain và tài sản mã hóa. Ảnh: TL

Giống như thị trường chứng khoán, tiền mã hóa cũng có giai đoạn Bull Market và Bear Market. 2021 được xem là năm Bull Market khi số vốn đầu tư vào các dự án blockchain trên toàn cầu đạt 29 tỉ USD, tăng  hơn 9 lần so với năm trước đó.

Nhà đầu tư tìm đến các dự án blockchain tiềm năng và đầu tư. Trước đây là thông qua cơ chế ICO (Initial Coin Offering – đợt phát hành coin đầu tiên). Các dự án này kêu gọi vốn cộng đồng và nhà đầu tư, trong đó nhà đầu tư sẽ đưa một khoản tiền cho dự án. Đổi lại khi sản phẩm được phát hành ra công chúng, các nhà đầu tư sẽ được nhận lại một lượng coin tương ứng theo tỉ giá 2 bên đã thương lượng. Tuy nhiên, phương thức đầu tư chủ yếu là đổi cổ phần vì ICO không đủ bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Vì dòng tiền đổ vào các startup blockchain có thể lên đến hàng chục triệu USD, phần lớn dự án gọi được vốn đều đặt ở các quốc gia chấp nhận blockchain và có luật quy định rõ ràng. Điển hình như hầu hết trụ sở chính của các công ty blockchain Việt Nam đều đặt ở Singapore, Việt Nam là trung tâm R&D vì chất lượng lập trình viên cao với mức giá cạnh tranh.

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm tranh tối, tranh sáng của các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này khi số lượng dự án được sinh ra để lợi dụng dòng vốn của nhà đầu tư và cộng đồng rất nhiều. Nhiều dự án sau khi gọi vốn không hoàn thành tiến độ sản phẩm, khiến nhà đầu tư mất tiền. Có dự án nhà đầu tư và các nhà sáng lập lợi dụng ICO và tâm lý FOMO trong thời điểm Bull Market để thu hút vốn cộng đồng và… không làm gì cả.

Trước thời điểm Bull Market, có 5 dự án blockchain do người Việt Nam sáng lập với vốn hóa hơn 20 triệu USD trở lên là Axie Infinity, Kyber Network, Coin98, KardiaChain và TomoChain. Bear Market diễn ra năm 2023 và tính đến nay còn 4 doanh nghiệp là Axie Infinity, Kyber Network, Kardia Chain và Ninety Eight (tiền thân là Coin98, đổi tên sau khi mua lại TomoChain). “Các công ty blockchain vẫn trong giai đoạn được tài trợ đầu tư và nhiệm vụ chính là mở rộng người dùng, đưa công nghệ blockchain đến gần với các hoạt động hằng ngày”, ông Thanh của Ninety Eight nói.

Giữa tháng 3, công ty này đã hợp tác với Jambo (châu Phi) để ra mắt smartphone tích hợp sẵn ví Web3 với giá từ 2,5 triệu đồng, dự kiến được phân phối ở Việt Nam trong tháng 4. Đó là cách Ninety Eight đưa người dùng tiền mã hóa Việt Nam đến với Jambo, đổi ngược lại tất cả các mẫu điện thoại Jambo phát hành ở thị trường khác đều phải tích hợp sẵn ví Web3 của Ninety Eight.

Tìm lối trong thế giới tiền mã hóa

Trước Jambo, Ninety Eight cũng hợp tác với nhiều công ty blockchain phát triển hạ tầng khác để gia tăng người dùng như hợp tác với các sàn giao dịch tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới như Binance, Coinbase, Solana…

Gia nhập thị trường vào năm 2019 chậm so với các startup khác, ông Thanh cho biết nhu cầu người sử dụng sẽ tăng theo thời gian bắt đầu từ việc lưu trữ tài sản số ở đâu, tiếp đến sẽ là sử dụng vào việc gì, ở các nền tảng nào và chi phí ra sao. “Đó là lý do chúng tôi đi theo hướng đầu tư hệ sinh thái để giữ chân người sử dụng”, ông Thanh nói.

Tương tự là Axie Infinity, theo tìm hiểu của NCĐT, đơn vị này cũng đang tập trung phát triển game trong hệ sinh thái để giữ chân người sử dụng sau sự thoái trào của mô hình Play to Earn và sự cố tin tặc xâm nhập hệ thống gây thiệt hại hơn 600 triệu USD.

Hiện Công ty phát triển nhiều thể loại game khác nhau như đua xe, chiến đấu và MMORPG (game trực tuyến nhiều người chơi cùng lúc). Doanh nghiệp này còn hợp tác với các nhà phát triển khác như Bali Game (Hàn Quốc) để phát triển Axie Champions và tổ chức giải đấu esports. Tháng 5/2023, các trò chơi của Công ty đã được App Store (Apple) phê duyệt và phát hành ở các thị trường châu Mỹ Latinh và Đông Nam Á, tăng khả năng tiếp cận người chơi.

Một biện pháp khác để giữ chân người sử dụng là Công ty cấp quyền thương mại cho chủ sở hữu của Axie NFT. Cách làm này tương tự như trường hợp sử dụng hình ảnh thương mại từ dự án NFT Bored Ape Yacht Club, tức chủ sở hữu Axie NFT có thể mua bán không giới hạn trong phạm vi các game của Axie trước kia.

Chế ngự cơn sốt

Giờ đây khi nào Bull Market trở lại là câu hỏi được những người sở hữu tiền mã hóa quan tâm nhất. Vì vào thời điểm này, dòng vốn từ thế giới thực đổ vào thị trường tiền mã hóa sẽ làm tăng không chỉ giá trị Bitcoin mà còn là các đồng Altcoin. Hai dấu hiệu cho việc tăng giá đã xuất hiện trên thị trường trong thời gian qua. Đầu tiên, năm 2024 đang là chu kỳ Bitcoin Halving tiếp theo, lịch sử cho thấy đây là tiền đề cho một đợt lập đỉnh giá mới.

Tìm lối trong thế giới tiền mã hóa
Biểu đồ giá Bitcoin tại sàn giao dịch ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: TL

Thứ đến là việc SEC phê duyệt quỹ ETF Bitcoin ở hình thức giao ngay (Spot). Trước đó, cơ quan này từng phê duyệt ETF Bitcoin Future vào năm 2021 và chứng kiến quy mô cổ phiếu giao dịch trong ngày khoảng 1 tỉ USD. Con số này đạt được chỉ 5 phút với ETF Bitcoin Spot. Giới phân tích dự đoán rằng mức giá 73.000 USD vừa qua chưa phải là đỉnh giá mới của Bitcoin.

Hy vọng cũng đi kèm với áp lực vì mỗi một chu kỳ Bull Market sẽ là một đợt điều chỉnh mạnh thị phần các công ty blockchain trên thị trường. Theo ông Thanh của Ninety Eight, nếu như trước kia thị trường chỉ có 100 người tham gia thì doanh nghiệp có 20 người là đã có trong tay 20% thị phần. Tuy nhiên, khi có 10.000 người tham gia thì con số 20 người đó rất nhỏ và có thể bị vượt mặt bởi các công ty có giải pháp thu hút người sử dụng tốt hơn.

Lịch sử cho thấy từng có công ty blockchain nắm giữ thị phần lớn của mùa Bull Market trước giờ đã thu hẹp thị phần hoặc không còn tồn tại. Cách duy nhất các công ty có thể làm, theo ông Thanh, là tập trung phát triển sản phẩm để thu hút người sử dụng mà thôi.

Điểm khác biệt là so với các thời điểm Bull Market trước, lần này các công ty còn trụ lại đều có nhiều kinh nghiệm nên các tác động của nhóm này sẽ tạo ra sự xáo trộn thị phần có thể còn lớn hơn các chu kỳ Bull Market trước kia. “Đừng quá tin vào một dự án nào, hãy tin vào kiến thức mình có được. Mọi thứ trong thế giới này diễn biến rất nhanh vì tất cả vẫn trong giai đoạn phát triển thị trường”, ông Thanh chia sẻ kinh nghiệm đầu tư các Altcoin trong giai đoạn Bull Market.

Trên thực tế, đây cũng là giai đoạn nhiều dự án lừa đảo xuất hiện nhiều nhất để trục lợi từ cộng đồng. Vẫn mô tuýp cũ là dùng ICO để gọi vốn, đổi lại cho các nhà đầu tư cá nhân bằng những đồng tiền mã hóa chưa xác định được giá trị vì không được kết nối với các sàn giao dịch lớn và mập mờ trong việc phát triển các sản phẩm thu hút người dùng.

“Đầu tư tiền mã hóa là đầu tư dài hạn”, Minh Tiến, nhà đầu tư cá nhân, cho biết. Theo Tiến, ưu điểm của tiền mã hóa là có thể đầu tư với số vốn nhỏ hằng tháng và được quyền chọn mua vào thời điểm các đồng mình quan tâm có giá thấp nhất trong tháng đó. “Khi không đủ kiến thức, ngưỡng chịu đựng của nhà đầu tư thường rất thấp và đó là lý do họ bỏ lỡ cơ hội hoặc mất tiền”, Tiến nói.

Những nhà đầu tư như Tiến đang gia nhập làn sóng mới thúc đẩy thị trường tiền ảo tại Việt Nam. Theo kết quả khảo sát mới công bố của công ty phân tích chuỗi khối Mỹ Chainalysis, các nhà đầu tư tiền ảo tại Việt Nam lãi 1,18 tỉ USD trong năm 2023. Việt Nam là 1 trong 5 thị trường châu Á có mặt trong Top 10 thị trường có lợi nhuận từ tiền ảo lớn nhất thế giới trong năm qua, bên cạnh Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Tìm lối trong thế giới tiền mã hóa

Tuy nhiên, đà lên giá đồng Bitcoin không thể làm lu mờ những rủi ro tiềm ẩn của loại tài sản số này. Mới đây, Bộ Tài chính vừa đề xuất Chính phủ cho phép thành lập tổ công tác liên ngành xây dựng đề án quản lý tài sản ảo, tiền ảo. Bởi vì, một số nước trên thế giới đã công nhận tiền ảo, tài sản ảo và cho giao dịch. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa công nhận tiền ảo là tài sản. Muốn được giao dịch, tiền ảo phải được công nhận (tài sản), để lập sàn giao dịch, tổ chức giao dịch, đưa ra các quy định pháp lý. Các loại tiền ảo phổ biến hiện nay như Bitcoin, Ethereum… Chính phủ từng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thí điểm tiền ảo nhằm ngăn ngừa rủi ro rửa tiền, rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Đại diện của Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho hay, các giao dịch tiền mã hóa diễn ra ở Việt Nam rất mạnh mẽ. Việc thiếu khung pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo khiến các hoạt động lừa đảo liên quan đến tiền ảo bùng nổ, trong khi Nhà nước thất thu thuế… Ông Mai Huy Tuần, Giám đốc SSI Digital, cho biết Công ty được tham gia thực hiện đề tài của Bộ Tài chính để chia sẻ với các bộ ban ngành để sớm có khung pháp lý cho tài sản số tại Việt Nam. Được biết, công ty này có kế hoạch xây dựng dự án trung tâm 1,7 ha định hướng trở thành hub kết nối để phát triển công nghệ blockchain Việt Nam.

Theo: Nhịp cầu đầu tư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *