Thị trường ngày 19/10: Giá dầu tăng tiếp khoảng 2%, vàng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng

Giá dầu có thể leo lên đỉnh 97 USD/thùng?

Kết thúc phiên giao dịch 18/10 xung đột ở Trung Đông gia tăng khiến giá dầu tăng khoảng 2%, vàng tăng hơn 1%, cao su tăng phiên thứ 8 liên tiếp, đường, cà phê, ngũ cốc đồng loạt tăng.

Thị trường ngày 19/10: Giá dầu tăng tiếp khoảng 2%, vàng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng - Ảnh 1.

Dầu tăng khoảng 2%

Giá dầu tăng khoảng 2% lên mức cao nhất 2 tuần do dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến và lo ngại về nguồn cung toàn cầu sau khi Iran kêu gọi cấm vận dầu mỏ đối với Israel vì xung đột ở Gaza.

Chốt phiên 18/10, dầu thô Brent tăng 1,6 USD hay 1,8% lên 91,5 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 1,66 USD hay 1,9% lên 88,32 USD/thùng. Trong phiên có lúc hai loại dầu này đã tăng hơn 3 USD/thùng.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô đã giảm 4,5 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với giới phân tích trong thăm dò của Reuters dự báo giảm 0,3 triệu thùng. Trong ngày 17/10 Viện Dầu khí Mỹ (API) đã báo cáo dự trữ dầu thô giảm 4,4 triệu thùng.

Đây là lần sụt giảm thứ 4 trong 5 tuần, cũng vượt xa mức giảm 1,7 triệu thùng một tuần trong một năm trước đó. Các nguồn cung cấp giảm 0,8 triệu thùng tại cơ sở lưu trữ Cushing, Oklahoma, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2024, làm dấy lên lo ngại về lượng dầu còn lại tại kho giao hàng WTI kỳ hạn.

Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi số liệu chính thức cho thấy tăng trưởng kinh tế trong quý 3 nhanh hơn dự kiến tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Tại Mỹ, nước tiêu thụ lớn nhất thế giới, doanh số bán lẻ trong tháng 9 cao hơn dự kiến làm tăng kỳ vọng đợt tăng lãi suất nữa vào cuối năm nay. Lãi suất tăng để hạn chế lạm phát có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.

Vàng tăng

Giá vàng tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng do xung đột leo thang tại Trung Đông.

Vàng giao ngay tăng 1% lên 1.950,67 USD/ounce, sau khi lên mức cao nhất kể từ ngày 1/8. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng của tăng 1,7% lên 1.968,3 USD/ounce.

Giá vàng có thể vượt ngưỡng 2.000 USD trong ngắn hạn nếu xung đột địa chính trị leo thang. Ngoài ra việc Fed tạm dừng tăng lãi suất hay hàm ý về khả năng tăng thấp hơn trong tương lai sẽ được xem là tích cực.

Vàng được coi là phương tiện lưu trữ giá trị an toàn trong bối cảnh bất ổn chính trị và tài chính đã tăng hơn 5% trong tháng 10. Các chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall đã giảm trong bối cảnh lo ngại rủi ro.

Đồng tăng nhẹ

Giá đồng tăng nhẹ tại London do USD tăng được bù đắp bởi sự hỗ trợ từ số liệu kinh tế tốt hơn dự kiến tại Trung Quốc, nước tiêu thụ đồng hàng đầu thế giới.

Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London tăng 0,1% lên 7.977 USD/tấn.

Kim loại phụ thuộc vào tăng trưởng này đã giảm 4,7% trong năm nay trong bối cảnh sự phục hồi sau đại dịch tại Trung Quốc vẫn yếu, lãi suất toàn cầu cao và nhu cầu yếu ở bên ngoài Trung Quốc. GDP của Trung Quốc tăng 4,9% trong quý 3, vượt dự báo của giới phân tích, trong khi hoạt động tiêu dùng và công nghiệp trong tháng 9 cho thấy các biện pháp chính sách được đề xuất đang giúp thúc đẩy sự phục hồi.

Sản lượng kim loại màu của nước này tăng 7,3% lên mức cao kỷ lục trong tháng 9 phản ánh nhu cầu kim loại như đồng và nhôm mạnh đồng thời dự trữ kim loại tại Trung Quốc ở mức thấp.

Tâm lý nhà đầu tư tại các thị trường rộng lớn rất mong manh do căng thẳng gia tăng ở Trung Đông khiến giá dầu và vàng tăng cao. Tại Trung Quốc, các nhà đầu tư tập trung vào khả năng trả nợ của nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất của nước này.

Quặng sắt thoái lui

Giá quặng sắt thoái lui, do sản lượng thép thấp hơn dự kiến và khủng hoảng bất động sản kéo dài làm dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu tại quốc gia tiêu dùng lớn nhất thế giới này mặc dù số liệu kinh tế của Trung Quốc đã cải thiện.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2024 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa giảm 0,4% xuống 861 CNY (117,76 USD)/tấn, từ bỏ mức tăng ghi nhận trong đầu phiên.

Sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 9 giảm 5% so với tháng 8 và giảm 5,6% so với một năm trước, do thêm nhiều nhà sản xuất thép giảm sản lượng bởi giá nguyên liệu thô cao và nhu cầu yếu tại Trung Quốc.

Trong khi đó, doanh số bán và đầu tư bất động sản của Trung Quốc giảm ở mức hai con số do những nỗ lực hỗ trợ các thành phố lớn không thể củng cố niềm tin vào một ngành đang vật lộn thoát khỏi khủng hoảng, mặc dù tốc độ giảm đã chậm lại.

GDP quý 3 của Trung Quốc tăng 4,9% so với năm ngoái, theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia (NBS), đánh bại dự đoán của giới phân tích trong một thăm dò của Reuters chỉ tăng 4,4%.

Giá thép tại Thượng Hải cũng giảm, thép thanh giảm 1,01%, thép cuộn cán nóng giảm 0,74%, dây thép cuộn giảm 1,65% và thép không gỉ giảm 0,44%.

Cao su Nhật Bản đạt cao nhất 18 tháng

Giá cao su Nhật Bản tăng phiên thứ 8 liên tiếp lên mức cao nhất 18 tháng, bởi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tốt hơn dự kiến và lo ngại kéo dài về tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Hợp đồng cao su giao tháng 3/2024 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 3,3 JPY hay 1,2% lên 268,5 JPY, cao nhất kể từ ngày 6/4/2022.

Tại Thượng Hải cao su giao tháng 1/2024 giảm 30 CNY hay 0,2% xuống 14.735 CNY (2.016,06 USD)/tấn.

Đường, cà phê tăng

Đường thô kỳ hạn tháng 3 đóng cửa thay đổi ít tại 27,48 US cent/lb.

Các đại lý lưu ý lo ngại về việc chậm trễ xuất khẩu từ Brazil. Mưa lớn tại Brazil làm việc chất hàng lên tầu bị chậm lại, có khả năng đẩy một số chuyến hàng dự định trong tháng 10 sang tháng 11. Việc chậm trễ về hậu cần này xảy ra vào thời điểm có nhiều lo ngại về nguồn cung trên thị trường bởi dự đoán sản lượng kém hơn từ cả Ấn Độ và Thái Lan trong niên vụ 2023/24.

Đường trắng kỳ hạn tháng 12 tăng tăng 2,9 USD hay 0,4% lên 741,8 USD/tấn.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2024 đóng cửa tăng 15 USD hay 0,6% lên 2.335 USD/tấn.

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 1 US cent hay 0,6% lên 1,5805 USD/lb.

Nhà môi giới StoneX cho biết yếu tố cung cầu hiện nay tích cực với robusta hơn là arabica, nhìn chung hiện tượng El Nino có thể ảnh hưởng tới sản lượng robusta tại châu Á trong khi sản lượng arabica tại Brazil năm 2024 dường như là tốt.

Đậu tương cao nhất trong 3 tuần, lúa mì tăng bởi săn giá hời

Lúa mì Chicago tăng lần đầu tiên trong 3 phiên bởi săn giá hời, ngô cũng tăng theo. Giá lúa mì tăng vào giữa phiên do thị trường nhen nhóm suy đoán Ấn Độ, nước sản xuất lúa mì hàng đầu có thể khan hiếm nguồn cung.

Trong khi đó đậu tương đạt cao nhất 3 tuần trong đầu phiên do nhu cầu tại thị trường ở Mỹ tiếp tục củng cố giá.

Hợp đồng lúa mì CBOT đóng cửa tăng 9-3/4 US cent lên 5,80-1/4 USD/bushel.

Đậu tương tăng 14-1/4 US cent lên 13,11 USD/bushel, sau khi tăng lên 13,13 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 27/9. Ngô tăng 3 US cent lên 4,92 USD/bushel.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 19/10

Thị trường ngày 19/10: Giá dầu tăng tiếp khoảng 2%, vàng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng - Ảnh 2.

Minh Quân

Nhịp sống thị trường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *