Chuyện lạ của cổ phiếu GIL

Sau khi dính lùm xùm quanh vụ việc khởi kiện Amazon, cổ phiếu GIL của CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) bỗng dưng quay đầu giảm sàn một cách khó hiểu. Đồng thời, trong bối cảnh đó, Gilimex thông báo phát hành cổ phiếu ESOP với giá phát hành ước tính rẻ hơn 64,5% giá thị trường.

Chốt phiên cuối tuần (16/12), cổ phiếu GIL giảm sàn về mức 24.450 đồng/cp. Trước đó, trong phiên 15/12, cổ phiếu GIL cũng giảm sàn với khối lượng dư bán giá sàn là 1,7 triệu đơn vị, tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch trong phiên là gần 2,5 triệu đơn vị, chấm dứt chuỗi 4 phiên hồi phục gần đây của cổ phiếu này.

Cổ phiếu “giảm sàn” khó hiểu

Cổ phiếu GIL liên tục giảm sàn trong bối cảnh Gilimex dính lùm xùm với vụ việc kiện cáo với Amazon Robotics LLC (“Amazon”) – một trong những khách hàng của công ty từ năm 2014.

Điều đáng nói, dù là bên đi kiện nhưng ngay sau khi có thông tin về vụ việc, cổ phiếu GIL lập tức bị bán tháo trong phiên giao dịch ngày 15/12 và kéo dài tiếp sang phiên 16/12.

Nếu tính từ mức đỉnh đầu năm gần 80.000 đồng/cp đến hiện tại, thị giá cổ phiếu GIL đã sụt giảm gần 70% và đặc biệt thanh khoản giảm mạnh. Tuy nhiên, nếu so với mặt bằng quá khứ (trước Covid-19), thị giá cổ phiếu này hiện vẫn cao hơn gấp đôi. Và “chất xúc tác” khiến cổ phiếu GIL “thăng hoa” bắt đầu diễn ra trong đại dịch được cho là nhờ “đứng trên vai” người khổng lồ Amazon.

Cổ phiếu GIL liên tục giảm sàn trong bối cảnh Gilimex dính lùm xùm với vụ việc kiện cáo với Amazon. (Ảnh: Int)

Cổ phiếu GIL liên tục giảm sàn trong bối cảnh Gilimex dính lùm xùm với vụ việc kiện cáo với Amazon. (Ảnh: Int)

Còn nhớ, trong giai đoạn đại dịch căng thẳng, Gilimex vô cùng nổi bật khi kết quả kinh doanh liên tục tăng bằng lần, dù doanh nghiệp nói chung và nhóm dệt may nói riêng rất khó khăn.

Theo Mirae Asset Vietnam Research, 85% doanh thu xuất khẩu của Gilimex đến từ khách hàng Amazon, với các đơn đặt hàng trị giá 146,6 triệu USD vào năm 2021. Từ khi bắt tay với Amazon, kết quả kinh doanh của Gilimex liên tục tăng nhanh với tăng trưởng doanh thu trung bình năm đạt trên 20%.

Đặc biệt, khi kênh thương mại điện tử bùng nổ trong giai đoạn Covid-19, bên bán lẻ thứ 3 như Gilimex chiếm được lợi thế cạnh tranh rất lớn. Doanh thu của Gilimex đến năm 2021 đã vượt mốc 4.000 tỷ. Từ quý IV/2021 đến quý II/2022, doanh thu của Gilimex đều đặn dao động trong khoảng 1.300 tỷ/quý, thuộc top cao hàng đầu ngành.

Tuy nhiên, sang đến quý III/2022, doanh thu của Gilimex đột ngột lao dốc trầm trọng xuống chỉ còn hơn 213 tỷ đồng, giảm đến 83% so với quý II và giảm 66% so với cùng kỳ năm 2021 – mức đáy khó tin nếu nhìn vào những gì Gilimex từng có được trong một quý.

Doanh thu lũy kế sau 9 tháng chủ yếu do 2 quý đầu năm đóng góp, còn lãi phần lớn lại nhờ vào thanh lý khoản đầu tư vào công ty liên kết trong quý III mà không phải từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Nếu so sánh với loạt tên tuổi cùng ngành như TNG, May Sông Hồng, Dệt may Thành Công… thì tình hình kinh doanh của Gilimex là bất thường, bởi các doanh nghiệp này đều chạm đỉnh doanh thu mới, tiến lên mốc hàng nghìn tỷ. Trước đó, sức cạnh tranh của Gilimex vẫn ngang ngửa các đối thủ, thậm chí trong quý đầu năm nay, doanh thu công ty vẫn đứng top 2, chỉ sau Việt Tiến.

Tính đến cuối quý III/2022, tổng tài sản của Gilimex là 4.268 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho của công ty tăng tới 70% so với đầu năm lên 1.278 tỷ đồng.

Và với tình hình thị trường hiện nay, mảng xuất khẩu dệt may của Gilimex dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn, nhất là khi mất đi “đôi vai” nâng đỡ. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định, ngành dệt may sẽ đối mặt với sự sụt giảm mạnh đơn hàng trong 2 quý tới trong bối cạnh lạm phát cao làm suy yếu nhu cầu may mặc toàn cầu.

Liệu có “bổn cũ soạn lại”?

Như vậy, triển vọng kinh doanh kém sáng qua lùm xùm với Amazon được cho là một yếu tố lý giải cho đà giảm “đột xuất” của cổ phiếu GIL.

Tuy nhiên, điều bất ngờ xảy ra, đó là trong lúc cổ phiếu GIL đang rơi vào cảnh “nước sôi lửa bỏng”, Gilimex ra thông báo dự kiến phát hành 1 triệu cổ phiếu ESOP, tương ứng tỷ lệ phát hành là 1,45% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành với giá 10.000 đồng/cp để huy động 10 tỷ đồng, từ ngày 15/12 đến ngày 30/12/2022 và bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. So với giá thị trường ngày 14/12 là 28.200 đồng/cp, ước tính giá phát hành đang rẻ hơn 64,5% giá thị trường.

Sẽ không có gì đáng bàn bởi đây chỉ là phát hành cổ phiếu thưởng, nhưng đây không phải lần đầu tiên, Gilimex phát hành cổ phiếu có giá “hời”, và sau đó thị giá cổ phiếu “tự dưng” lao dốc.

Ngược thời gian, giai đoạn cuối 2020 – 2021, với đà tăng vững chắc, cổ phiếu GIL đã leo lên mốc 82.600 đồng/cp trong phiên 13/5/2021. Tuy nhiên, ngay sau đó, cổ phiếu quay đầu đi xuống nhanh chóng khi thị trường râm ran tin đồn về phương án phát hành cổ phiếu.

Cho đến 2 ngày trước khi phiên họp ĐHĐCĐ diễn ra (21/5/2021), ông Lê Hùng, Chủ tịch Gilimex mới ký tờ trình về phương án phát hành 16,8 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư với giá chào bán 35.000 đồng/cp. Mức giá này chưa bằng 1/2 so với thị giá trung bình 10 phiên gần nhất của cổ phiếu này. Điều kiện để mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ là hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm.

Và ngày 20/5, phương án phát hành mới chính thức được công bố. Sau thông tin này, cổ phiếu công ty giảm sàn từ 62.600 đồng/cp về 58.300 đồng/cp.

Ước tính có khoảng gần 7 triệu cổ phiếu GIL được giao dịch quanh vùng giá 70.000 – 80.000 đồng/cp. Thời điểm đó đã có nhà đầu tư cũng như nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: có hay không việc “tay to” bán ra cổ phiếu GIL ở vùng giá cao, rồi sau đó mua lại giá thấp hoặc gom đủ tiền cho đợt phát hành thêm?

Vấn đề được quan tâm là khối lượng của đợt phát hành riêng lẻ rất lớn, chiếm tới 43% vốn điều lệ hiện tại của công ty.

Theo báo cáo quản trị của công ty, tính đến cuối năm 2020, ông Lê Hùng, Chủ tịch Gilimex sở hữu 12,2% cổ phần; CTCP May hàng gia dụng Gilimex – PPJ (công ty con của Gilimex) sở hữu 3,95% cổ phần; một thành viên HĐQT khác là ông Nguyễn Hữu Phúc sở hữu 3,29% cổ phần; cổ đông lớn Nguyễn Phương Đông sở hữu 6,16% cổ phần. Như vậy, nhóm cổ đông này chiếm hơn 26% cổ phần GIL.

Trong khi đó, cổ đông tham gia mua riêng lẻ thêm 43% cổ phần phải có được sự ủng hộ của ban lãnh đạo Gilimex. Điều này đồng nghĩa với việc Gilimex có nhóm nhà đầu tư nắm tới xấp xỉ 70% cổ phần, nói cách khác, lãnh đạo Gilimex không còn phải lo nguy cơ doanh nghiệp bị đối thủ khác thâu tóm. Vừa mua được cổ phiếu giá hời, vừa được quyền quản trị doanh nghiệp, có thể là mũi tên trúng nhiều đích.

Hải Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *