Giao dịch chứng khoán chiều 18/1: Thị trường ‘đẹp’ nhưng vẫn lỗi hẹn mốc 1.100 điểm

Thị trường tiếp tục có phiên giao dịch tích cực ngày sát Tết Nguyên đán khi chỉ số VN-Index tăng gần 10 điểm lên sát ngưỡng 1.100 điểm. Trong đó, hàng loạt cổ phiếu trong nhóm bán lẻ, dệt may, bất động sản vừa và nhỏ khoe sắc tím.

Mặc dù thanh khoản cầm chừng do tâm lý kỳ nghỉ lễ đang cận kề nhưng lực cầu dàn trải khá tốt giúp sắc xanh lan tỏa thị trường và chỉ số VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng điểm, xác nhận phiên tăng thứ 6 liên tiếp khi tạm dừng phiên giao dịch sáng ngày 18/1.

Bước vào phiên giao dịch chiều, sau khoảng 30 phút mở cửa đi ngang, lực cầu gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường đã nới rộng đà tăng, chỉ số VN-Index áp sát mốc 1.100 điểm.

Hầu hết các nhóm ngành đều có được sắc xanh, ngoại trừ vài nhóm giảm nhẹ, tuy nhiên VN-Index vẫn chưa thể chinh phục được ngưỡng tâm lý mạnh này bởi hầu hết các nhóm trụ cột chỉ có được mức tăng nhẹ, trong khi các nhóm có vốn hóa thấp hơn như bán lẻ, dệt may, cao su… đang tỏa sáng trên thị trường.

Chỉ còn 1 phiên giao dịch nữa là thị trường khép lại năm Nhâm Dần với nhiều biến động, tuy nhiên, những phiên gần cuối năm đã mang đến khá nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư. Bên cạnh những nhà đầu tư vui sướng với những thành quả nhờ sự kiên trì, nhiều nhà đầu tư khác cảm thấy tiếc nuối khi lỡ nhịp hồi cuối năm. Thị trường luôn luôn có những điều bất ngờ và không quên “đãi” những người kiên trì đang đúng trong bối cảnh hiện nay.

Đóng cửa, sàn HOSE có 322 mã tăng và 105 mã giảm, VN-Index tăng 9,99 điểm (+0,92%), lên 1.098,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 604,2 triệu đơn vị, giá trị 10.237,54 tỷ đồng, giảm 10,34% về khối lượng và 12,89% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 50,41 triệu đơn vị, giá trị 853,92 tỷ đồng.

Nhóm VN30 vẫn là trụ đỡ chính của thị trường khi chỉ còn 2 mã mất điểm là VRE và BVH; còn lại có tới 25 mã tăng điểm. Trong đó, đại diện nhóm bán lẻ là MWG tiếp tục dẫn đầu bảng với mức tăng 4,4% lên 44.950 đồng/CP; hay các mã tăng tốt khác như VIC tăng 2,7%, MSN tăng 2,5%, PLX và FPT cùng tăng 1,7%…

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ là tâm điểm đáng chú ý của thị trường với hàng loạt mã đua nhau khoe trần như ASM, DIG, DLG, SCR, TDC, DBC… Trong đó, cổ phiếu DIG ấn tượng với thanh khoản tăng vọt, lên xấp xỉ 14 triệu đơn vị, thuộc top 10 có giao dịch lớn nhất thị trường.

Cổ phiếu HAG sau pha tăng tốc sát trần đã có chút hạ nhiệt cuối phiên và đóng cửa tăng 4% lên 9.430 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 3, đạt gần 23 triệu đơn vị khớp lệnh.

Xét về nhóm ngành, ngoài MWG, các cổ phiếu khác trong nhóm bán lẻ cũng đua nhau tăng mạnh như DGW và PET cùng tăng kịch trần, FRT tăng gần 4%…

Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu dệt may cũng tích cực với TCM, GIL đều tăng trần, GMC tăng hơn 2%, ADS tăng hơn 3%, hay trên HNX có NPS tăng kịch trần, TNG tăng 4,11%…

Trong khi đó, các cổ phiếu ngân hàng chỉ lình xình với các mã hầu hết đều tăng nhẹ trên dưới 0,5%, đáng kể có HDB, TPB tăng hơn 1%; trong khi EIB và OCB đảo chiều giảm nhẹ, SHB và VIB đứng giá tham chiếu.

Ở nhóm chứng khoán, diễn biến cũng nhích nhẹ với VND, SSI, FTS, CTS chỉ tăng trên dưới 1%; trong khi BSI, HCM, VCI điều chỉnh nhẹ.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép bị chốt lời và hầu hết đều quay đầu giảm hoặc lình xình ở mốc tham chiếu với cổ phiếu HPG may mắn giữ được sắc xanh nhạt khi tăng 0,2% lên 21.700 đồng/CP và thanh khoản tốt nhất ngành, đạt 25,85 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường cũng tăng tốc trong phiên chiều với sắc xanh lan tỏa cùng sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip.

Chốt phiên, sàn HNX có 108 mã tăng và 57 mã giảm, HNX-Index tăng 2,58 điểm (+1,2%), lên 217,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 75,3 triệu đơn vị, giá trị 1.187,64 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,33 triệu đơn vị, giá trị 16,94 tỷ đồng.

Các cổ phiếu vừa và nhỏ trong nhóm bất động sản trên sàn HNX cũng ghi nhận phiên tăng mạnh, đáng kể là CEO, TIG và IDJ đều đóng cửa tăng kịch trần với thanh khoản cùng thuộc top 5 dẫn đầu thị trường. Trong đó, CEO khớp 13,68 triệu đơn vị, TIG khớp 3,13 triệu đơn vị và IDJ khớp 2,95 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu dầu khí PVS vẫn trong xu hướng tăng tốt và đóng cửa ở vùng giá cao trong phiên là 25.000 đồng/CP, tăng 4,2% với khối lượng khớp lệnh hơn 9,89 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, các cổ phiếu chứng khoán vẫn khá yếu với SHS đóng cửa giảm 1% xuống 9.500 đồng/CP và tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản với hơn 15,85 triệu đơn vị khớp lệnh; MBS giảm nhẹ 0,7% xuống 15.000 đồng/CP và khớp hơn 2,2 triệu đơn vị…

Tuy nhiên, APS là điểm sáng của ngành với mức tăng ấn tượng 7%, thậm chí có thời điểm kéo trần thành công, đóng cửa tại mức giá 10.700 đồng/CP.

Trên UPCoM, thị trường duy trì trạng thái đi ngang trên mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,58 điểm (+0,79%), lên 73,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 35,64 triệu đơn vị, giá trị 470,52 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR là điểm sáng trên UPCoM khi đóng cửa tăng 6,1% lên vùng giá cao nhất phiên 15.700 đồng/CP, đồng thời thanh khoản vượt trội thị trường với gần 17,58 triệu đơn vị, bỏ xa cổ phiếu đứng thứ 2 là C4G chỉ khớp 2,3 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu khác trong nhóm dầu khí là OIL cũng đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày 9.300 đồng/CP, tăng 2,2%.

Các cổ phiếu khác như SBS, ABB, DRI cùng có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị đều đóng cửa khởi sắc, đáng kể là DRI tăng kịch trần.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, với VN30F2301 sẽ đáo hạn vào ngày cuối cùng của năm Nhâm Dần (ngày 19/1) tăng 10,3 điểm, tương đương +0,9% lên 1.117,3 điểm, khớp lệnh 267.200 đơn vị, khối lượng mở gần 38.520 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh chiếm ưu thế lớn, tuy nhiên CHPG2221 vẫn có thanh khoản tốt nhất là 2,89 triệu đơn vị, đóng cửa đứng giá tham chiếu 120 đồng/CQ.

Tiếp theo là CTCB2213 khớp 2,42 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 20% xuống 40 đồng/CQ.

T.Thúy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *