Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn hơn 4.600 tỷ đồng

Trong quý IV/2022, các thương nhân đầu mối đã trích thêm 2.155 tỷ đồng vào quỹ bình ổn giá mặt hàng và chỉ sử dụng hơn 79 tỷ đồng từ quỹ, giúp số dư đến cuối năm đạt 4.617 tỷ đồng.

 Sau khi rơi xuống mức âm vào quý đầu năm 2022, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã trở lại mức dương vào cuối năm. Ảnh: Việt Linh.

Sau khi rơi xuống mức âm vào quý đầu năm 2022, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã trở lại mức dương vào cuối năm. Ảnh: Việt Linh.

Theo báo cáo về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu mới được Bộ Tài chính công bố, tính đến hết quý IV/2022, tổng số dư quỹ đã tăng lên mức 4.617 tỷ đồng, cao nhất kể từ quý I/2021 đến nay.

Theo Bộ Tài chính, so với quý liền trước, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã tăng ròng hơn 2.000 tỷ đồng.

Cụ thể, tại thời điểm cuối tháng 9/2022, số dư quỹ này được xác định là hơn 2.540 tỷ đồng. Trong quý cuối cùng của năm, 31 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu đã trích lập thêm hơn 2.155 tỷ đồng vào quỹ và chỉ sử dụng hơn 79 tỷ đồng từ quỹ để bình ổn giá xăng dầu trên thị trường.

Cùng với số tiền lãi phát sinh trên số dư quỹ dương và âm trong quý, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã tăng lên mức cao nhất 7 quý.

Thực tế, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã biến động rất mạnh trong năm 2022 khi rơi xuống mức âm trong quý đầu năm do các doanh nghiệp đầu mối phải tăng mạnh số chi từ quỹ để bình ổn giá xăng dầu trên thị trường trong bối cảnh giá thế giới và trong nước tăng cao. Đến cuối năm, khi giá xăng dầu thế giới hạ nhiệt, cùng các biện pháp kìm đà tăng giá xăng dầu trong nước phát huy tác dụng, số dư quỹ đã trở lại mức dương.

Theo Bộ Tài chính, trong 31 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt nam (Petrolimex) là đơn vị có số dư quỹ đến cuối năm 2022 cao nhất với 1.986 tỷ đồng, chiếm tới 43% tổng số dư Quỹ bình ổn giá toàn ngành.

Ngoài ra, một số thương nhân đầu mối có số dư quỹ cao là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (561 tỷ); Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức (409 tỷ); Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Tháp (371 tỷ) hay Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (294 tỷ đồng)…

Ngược lại, toàn hệ thống vẫn còn 7 doanh nghiệp đầu mối có số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm, gồm Tổng công ty Dầu Việt Nam – PV Oil (-513 tỷ); Công ty TNHH Petro Bình Minh (-60 tỷ); Công ty CP xăng dầu Tân Nhật Minh (-38 tỷ); Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Long Hưng (-36 tỷ); Công ty CP Tập đoàn đầu tư phát triển Trường An (-26 tỷ); Công ty TNHH Hải Linh (-12 tỷ) và Tổng công ty thương mại Sài Gòn (-11 tỷ đồng)…

Liên quan tới hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, cuối năm 2022, một số đại biểu Quốc hội cho rằng quỹ bình ổn này gần như không thể phát huy hết giá trị trong thực tế nên đã đề xuất bỏ quỹ trong dài hạn.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng Quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ linh hoạt duy nhất để Nhà nước điều hành xu hướng tăng giảm giá của xăng dầu. Nên nếu bỏ quỹ này đồng nghĩa với việc bỏ điều hành giá xăng dầu.

Bộ Công Thương cho rằng quỹ vẫn đang phát huy hiệu quả trong việc tạo nên một “bước đệm” góp phần bình ổn giá, kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Tuy vậy, cơ quan quản lý vẫn đưa ra phương án sửa đổi hoạt động quỹ theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng. Trong đó, cơ quan quản lý chỉ can thiệp điều hành giá thông qua trích lập, chi quỹ khi giá xăng dầu tăng từ 10% trở lên hoặc giảm 7% trở lên so với kỳ công bố giá liền trước.

Quang Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *