Khối ngoại giảm tốc mua ròng có đáng lo?

Bất chấp những pha ‘quay xe’ chóng mặt của thị trường chứng khoán cũng như đà bán mạnh của nhà đầu tư cá nhân trong nước, khối ngoại vẫn mạnh tay mua vào. Tuy nhiên, những phiên gần đây, khối này đang có xu hướng giảm tốc mua ròng.

Theo dữ liệu thị trường, tính chung cả tháng 11/2022, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 16.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Riêng sàn HoSE, dòng vốn ngoại đổ vào gần 15.000 tỷ đồng.

Đứt chuỗi mua ròng

Đáng chú ý, động thái trong tháng 11 trái ngược hoàn toàn với mấy tháng trước đó. Nếu như tới cuối tháng 10, khối ngoại bán ròng hơn 3.200 tỷ đồng trên HoSE, thì sau tháng 11, con số này đảo chiều thành mua ròng hơn 11.700 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những giai đoạn mà khối ngoại mua ròng nhanh và mạnh nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, tỷ trọng về giá trị giao dịch của khối ngoại trên tổng quy mô giao dịch của thị trường cũng tăng mạnh từ mức 6,2% đầu năm nay lên gần 15% tính tới cuối tháng 11.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự chững lại của khối ngoại trong một vài phiên cũng chưa đủ cơ sở để khẳng định về bất kỳ xu hướng nào.

Với lực mua rất quyết đoán cùng giá trị mua ròng nhiều phiên lên đến hàng nghìn tỷ đồng, dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, mà đa phần hoạt động mua vào được hỗ trợ bởi dòng vốn hơn 11.400 tỷ đồng từ các quỹ ETF (chủ yếu từ VNDiamond ETF và Fubon ETF) đã góp phần không nhỏ giúp thị trường hồi phục nhanh chóng từ đáy 2 năm hồi giữa tháng 11.

Báo cáo Chiến lược đầu tư năm 2023 của VNDirect cho biết: “Thời gian qua, trong khi thanh khoản suy yếu do chính sách tiền tệ dần thắt chặt, điểm sáng của thị trường chính từ sự quay lại của khối ngoại”.

Lý giải về động thái của khối ngoại, nhóm phân tích Chứng khoán VNDirect cho rằng, tín hiệu đạt đỉnh của cả lạm phát toàn cầu lẫn lãi suất của Mỹ đã làm tăng “khẩu vị rủi ro” của nhà đầu tư nước ngoài nhằm tìm kiếm cơ hội tăng trưởng cao từ những thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, trong những phiên gần đây, động thái mua ròng của khối ngoại đang chậm lại rõ rệt khi thị trường đã hồi phục tương đối.

Tuần qua (12-16/12), khối ngoại vẫn duy trì mua ròng gần 1.900 tỷ đồng. Nhưng nếu so với những tuần trước đó, con số này đã giảm đi đáng kể. Thậm chí, nếu xét về mặt khối lượng, nhà đầu tư nước ngoài đã đứt chuỗi mua ròng từ phiên 14/12 trước đó.

Giới phân tích nhận định, quy mô và cường độ của khối ngoại giảm có thể bắt nguồn từ 2 yếu tố là lượng mua họ đã giải ngân phần lớn ở vùng giá thấp thì giai đoạn sắp tới họ sẽ giảm cường độ mua. Bên cạnh đó, yếu tố tính mùa vụ lễ Noel, họ sẽ nghĩ dài cho tới đầu năm sau mới quay lại mua ròng.

Hơn nữa, không loại trừ khả năng do các hedge fund (quỹ phòng hộ) bị rút vốn. Có thể kể tới quỹ lớn nhất trên thị trường bị rút vốn rất mạnh nên phải bán cổ phiếu để cân đối vốn cho nhà đầu tư rút về.

Mặt khác, rất có thể sự rút đi của dòng tiền được đồn đoán mang tên P-Notes (Participatory Notes) là một trong những nguyên nhân khiến lực mua của khối ngoại “hụt hơi”. Đây là dòng tiền khó lường và tốc độ ra vào nhanh nên sẽ ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến của thị trường trong ngắn hạn và thường được cho là mang tính đầu cơ cao.

Không cần quá lo?

Nhìn chung, trong giai đoạn kết thúc năm, các quỹ đầu tư thường tiến hành chốt NAV cuối năm. Theo đó, giới đầu tư thường kỳ vọng “đón sóng” chốt NAV. Tuy nhiên, việc dòng vốn khối ngoại có xu hướng giảm tốc đang khiến nhiều nhà đầu tư nội tỏ ra bối rối trước quyết định “xuống tiền”, bởi thời gian qua, dòng vốn này đang có mức độ ảnh hưởng lớn và tích cực tới thị trường.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự chững lại của khối ngoại trong một vài phiên cũng chưa đủ cơ sở để khẳng định về bất kỳ xu hướng nào. Ngay cả khi dòng tiền P-Notes thực sự rút đi cũng không thể phủ nhận sức hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng lớn. Bên cạnh động thái giải ngân trở lại của các quỹ ngoại chủ động lớn như Dragon Capital, VinaCapital, dòng vốn ngoại vẫn đang “ồ ạt” đổ vào chứng khoán Việt Nam qua kênh ETF.

Thực tế, trong phiên thị trường “đỏ lửa” (20/12), khối ngoại vẫn là tâm điểm của thị trường khi mua ròng tới hơn 1.900 tỷ đồng, tăng tới gần 94% so với phiên trước đó và cao gần bằng với cả tuần qua (12 -16/12).

Dù vậy, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Agriseco vẫn đưa ra lưu ý, nhà đầu tư nên chú ý tới diễn biến mua/bán ròng của khối ngoại trong giai đoạn sắp tới. Trong trường hợp xuất hiện một cuộc suy thoái kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài sẽ có xu hướng rút vốn khỏi thị trường mới nổi và cận biên và tăng chuyển dịch qua các kênh dẫn vốn an toàn hơn. Mặc dù tính ảnh hưởng thực tế từ chính sách có thể có độ trễ, tuy nhiên thị trường chứng khoán vẫn có khả năng phản ánh trước các thông tin này.

Giám đốc khối Phân tích của Chứng khoán DSC Trương Thái Đạt đánh giá, động thái của khối ngoại dĩ nhiên có tác động giảm tốc đến đà hưng phấn của thị trường. Mất đi dòng tiền mua bất chấp giá có thể khiến VN-Index gặp khó khăn ở các ngưỡng kháng cự mạnh như 1.100-1.130 điểm. Cùng với đó đà tăng giá của các cổ phiếu trên thị trường cơ sở sẽ không còn tập trung vào các mã còn room ngoại.

“Song, điều này không có nghĩa rằng đà hồi phục của thị trường sẽ kết thúc, tôi vẫn kỳ vọng đà tăng tiếp diễn của thị trường, dù VN-Index có thể cần thời gian tích lũy để dòng tiền nhà đầu tư trong nước tự tin tham gia mua. Với sự thay đổi cấu trúc từ khối nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sang nhà đầu tư cá nhân trong nước, đà tăng có thể tập trung ở các cổ phiếu hợp “khẩu vị” nhà đầu tư cá nhân hơn như ngân hàng, chứng khoán”, ông Đạt nhấn mạnh.

Thực tế, dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật, thị trường đã bắt đầu cho thấy các tín hiệu điều chỉnh đang dần hình thành và dòng tiền đang có sự luân chuyển từ các nhóm thu hút dòng vốn khối ngoại sang các nhóm vốn hóa nhỏ hơn. Cho nên, nhiều ý kiến nhận định “con sóng” tiếp theo sẽ là nhịp của nhà đầu tư cá nhân, một bộ phận không nhỏ chưa tham gia kịp trong những nhịp vừa qua. Khi bối cảnh thực sự cải thiện trong ngắn hạn, số đông sẽ tự tin hơn trong việc tham gia.

“Sau giai đoạn tăng mạnh của chỉ số và thanh khoản, xu hướng giằng co sẽ trở lại khi hoạt động mua ròng của vốn ngoại bão hòa. Khả năng nhà đầu tư cá nhân sẽ tham gia mạnh mẽ hơn từ nửa sau tháng 12”, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nói.

Hải Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *