Vàng biến động trái chiều, chuyên gia khuyến cáo gì đối với nhà đầu tư

Giá vàng thế giới tuần qua giảm nhẹ 0,5%, đánh dấu lần giảm đầu tiên sau 3 tuần tăng liên tiếp. Tuy nhiên, tính từ đầu tháng 3, giá vàng đã tăng hơn 7% ghi nhận mức cao kỷ lục trên 2.000 USD/ounce tính từ tháng 3/2020.

Vàng thế giới hướng tới kỷ lục mới

Chốt phiên cuối tuần 26/3, giá vàng trên thế giới giao ngay đã giảm 0,8% xuống 1.977,01 USD/ounce, sau khi tăng lên 2.002,89 USD/ounce thời điểm đầu phiên. Trong tuần, giá vàng đã có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2022 là 2.009,59 USD/ounce, chỉ kém kỷ lục được thiết lập trong thời gian bắt đầu bùng phát dịch Covid-19. Mức giá 2.000 USD/ounce trong tuần này cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm ngoái – thời điểm giá vàng tăng bùng nổ sau khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ.

Giá vàng được dự báo hướng tới kỷ lục mới trước những lo ngại xung quanh lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Ảnh minh họa

Giá vàng được dự báo hướng tới kỷ lục mới trước những lo ngại xung quanh lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Ảnh minh họa

Phiên cuối tuần, vàng đảo chiều sau khi đã tăng nhanh những phiên giao dịch trong tuần. Hoạt động chốt lời đã diễn ra, nhưng xu hướng chung sẽ không thay đổi, đưa giá vàng này lên trên 2.000 USD/ounce.

Ông Michael Boutros, chiến lược gia cao cấp của Forex.com nhận định rằng, chỉ cần giá vàng duy trì trên mức 1.850 USD/ounce, xu hướng giảm sẽ bị phá vỡ và kim loại quý này vẫn sẽ tiếp tục tăng giá. Theo ông, các mức giá cần theo dõi trong quá trình tăng là 2.034 USD/ounce (mức đóng hằng tuần cao kỷ lục) và sau đó là 2.075 USD/ounce.

Sau cuộc họp kéo dài hai ngày, Fed ngày 22/3 đã đưa ra quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25 điểm phần trăm), nhưng cho biết sẽ sớm dừng việc nâng lãi suất trong tương lai trong bối cảnh bất ổn trong lĩnh vực tài chính sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank. Nhưng trong cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed không có ý định giảm lãi suất trong năm 2023.

Chuyên gia Suki Cooper của ngân hàng Standard Chartered cho biết Fed đang phải cân bằng các rủi ro lạm phát và sự ổn định kinh tế, và cả hai yếu tố này đều có thể làm tăng nhu cầu lưu giữ an toàn đối với vàng.

Ở diễn biến khác, liên tiếp các vụ sụp đổ hay khó khăn của nhiều ngân hàng trên thế giới trong một thời gian ngắn gần đây cho thấy thị trường tài chính quốc tế đang có những xáo trộn nhất định. “Bất kỳ lo ngại nào mới về “sức khỏe” của các ngân hàng cũng sẽ trở thành chất xúc tác để vàng tăng giá” – chiến lược gia Bob Haberkorn của RJO Futures nói với Reuters.

Mới đây, ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá vàng sẽ duy trì ở mức trên 2.000 USD/ounce trong 12 tháng kể từ bây giờ. Theo đó, giá vàng sau 12 tháng nữa sẽ sẽ tăng lên 2.050 USD/ounce, cao hơn mức dự đoán trước đó là 1.950 USD/ounce. Đồng thời, ngân hàng này một lần nữa cho rằng giá hàng hóa nhìn chung sẽ tăng 28% trong một năm tới.

Goldman Sachs không phải là tổ chức hiếm hoi đưa ra nhận định lạc quan về giá vàng. Kết quả Khảo sát mới nhất của Kitco News về triển vọng giá vàng cho thấy cả các nhà phân tích Phố Wall và các nhà đầu tư quốc tế khác đều dự đoán giá sẽ tiếp tục tăng đáng kể.

Tâm lý của các nhà đầu tư bán lẻ đang lạc quan nhất trong vòng hơn 1 năm. Đồng thời, tỷ lệ tham gia bình chọn cũng đạt mức cao nhất kể từ đầu năm, cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với thị trường vàng.

Vàng trong nước chưa thể vượt ngưỡng 70 triệu đồng/lượng

Giá vàng thế giới ghi nhận lúc 6 giờ hôm nay (26/3) theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 1.978,965 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 56,65 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).

Giá vàng đang có những diễn biến trái chiều. Chốt phiên cuối tuần, giá vàng trong nước hôm nay 26/3, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 66,6 – 67,3 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng giảm 70.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch đầu tuần. Như vậy, giá vàng miếng của SJC vẫn đang cao hơn giá vàng quốc tế là 10,70 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,55 – 67,25 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

Trong bối cảnh giá vàng thế giới liên tục biến động tăng trong tháng, giá vàng trong nước vẫn chưa thể lên vượt mốc 70 triệu đồng/lượng.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, hiện chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới luôn duy trì trên 10 triệu đồng/lượng, cho nên nhà đầu tư trong nước không nên mua vàng để “lướt sóng” lúc này. Bởi nếu đầu tư vàng, người mua sẽ phải trả với mức giá đắt hơn hàng triệu đồng mỗi lượng so với giá thế giới và sẽ gặp rủi ro lớn nếu thị trường đảo chiều. Ông Thịnh khuyến cáo, người dân chỉ nên mua vàng với số lượng ít khi thực sự cần thiết.

“Doanh nghiệp giữ giá vàng ở mức cao, đẩy rủi ro sang người mua. Không những giá chênh với thế giới cao mà chênh lệch giữa mua và bán cũng ở mức cao, khiến người chịu thiệt cuối cùng vẫn là khách hàng. Vì vậy, hiện nay chưa phải thời điểm thích hợp để đầu tư vàng. Chỉ khi nào khoảng cách chênh lệch hạ xuống mức hợp lý, người dân mới nên đầu tư vàng”- TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Thảo Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *